Hội chứng tăng đông máu là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch, các bệnh van tim… Những bệnh này chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và xu hướng này ngày càng tăng. Việc sử dụng các các thuốc chống đông của y học hiện đại kết hợp với các nhóm thuốc hoạt huyết của y học cổ truyền làm tăng hiệu quả điều trị tuy nhiên cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trên người bệnh.
Đây là nội dung vừa được các bác sĩ của Viện Y học cổ truyền Quân đội đưa ra trong buổi tọa đàm với chủ đề “Thuốc chống đông trên lâm sàng và các bài thuốc hoạt huyết Đông y” nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng thực hành lâm sàng khi kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp.
Theo Ths Lê Thị Huyền Trang (Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) thì thuốc chống đông là thuốc giúp làm giảm quá trình hình thành các cục máu đông (huyết khối) trong hệ tuần hoàn. Trong một số bệnh lý, cơ thể dễ tạo ra các cục máu đông không cần thiết. Các cục máu đông này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng tại chỗ và có thể di chuyển đến các phần khác nhau của cơ thể, ví dụ di chuyển đến não có thể làm liệt nửa người, hôn mê… Các thuốc chống đông được sử dụng để phòng ngừa sự hình thành của các cục máu đông ở tim và trong các mạch máu.
Khi có các chỉ định dùng thuốc, các bác sĩ cần nắm chắc về dược động học, dược lực học, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng, cách dùng, tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc. Đặc biệt là theo dõi sát bệnh nhân trên lâm sàng để kịp thời điều chỉnh liều cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Phân loại theo đường dùng: thuốc chống đông có dạng đường uống hoặc đường tiêm truyền. Các nhóm thuốc gồm có thuốc chống đông kháng Vitamin K – VKA, Acenocoumarol; Rivaroxaban…
Hiện nay các thuốc chống đông đường uống trực tiếp (DOAC) khắc phục được hầu hết nhược điểm của nhóm thuốc chống đông kháng vitamin K như khởi phát tác dụng nhanh, ít xảy ra tương tác thuốc, dễ tiên đoán tác dụng kháng đông, không cần theo dõi chức năng đông máu thường xuyên…
Ths Vũ Xuân Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Phụ trách khoa Ung bướu (Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) cho biết: Chứng huyết ứ là các chứng biểu hiện do huyết dịch trong lòng mạch vận hành chậm lại hoặc huyết thoát ra ngoài thành mạch gây nên ứ trệ bên trong tạo nên.
Các biểu hiện trên lâm sàng thường gặp: đau chói cố định, đau không thích xoa nắn (cự án), thường tăng về đêm tính chất tương đối cứng, nếu ở nông thấy bề mặt xanh tím, nếu trong bụng sờ thấy khối không di chuyển, sắc mặt, môi, lưỡi, móng chân, tay ám tím. Hoặc dưới da, dưới lưỡi có ban điểm ứ huyết, mạch dưới lưỡi căng phồng và xanh tím.
Huyết ứ do nguyên nhân: Khí trệ, khí hư, đờm trọc, dương hư, hàn thịnh, tà nhiệt. Tiêu chuẩn chẩn đoán huyết ứ hiện nay theo hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Trung Y Trung Quốc – 1992 với các triệu chứng và thang điểm cụ thể: Ban ứ huyết dưới da, tuần hoàn bàng hệ, chất lưỡi tối, tím, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn…
Nguyên tắc điều trị cơ bản chứng huyết ứ là phép hoạt huyết hoá ứ: Nhuận táo dưỡng huyết, Ôn kinh tán hàn, Thanh nhiệt lương huyết, Hoá đờm tả trọc, Bổ khí dưỡng huyết, Nhuyễn kiên tán kết…
Hoạt huyết trên lâm sàng theo các cấp độ hòa huyết, hoạt huyết, phá huyết. Hoạt huyết theo tác dụng có hoạt huyết chỉ thống, hoạt huyết điều kinh, hoạt huyết liệu thương, hoạt huyết tiêu ứ… Ngoài ra còn có nhóm thuốc vừa hoạt huyết vừa chỉ huyết làm cho huyết mạch thông suốt, thích hợp dùng cho những trường hợp có huyết ứ huyết tụ gây cản trở huyết mạch làm huyết bất tuần kinh mà gây xuất huyết.
Một số bài thuốc hoạt huyết trên lâm sàng như: Tứ vật thang, Đào hồng tứ vật thang, huyết phủ trục ứ hoàn, Bổ dương hoàn ngũ thang, Phục nguyên hoạt huyết thang, Ôn kinh thang…
Theo Ths Vũ Xuân Nghĩa, hoạt huyết hóa ứ pháp là một phương pháp điều trị cơ bản bệnh lý ung bướu hiện nay dựa trên các bằng chứng lâm sàng và các công bố nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây. Thuốc hoạt huyết làm tăng cường máu đến khối u, làm tăng nồng độ oxy trong khối u (các tế bào ung thư thường chuyển hóa yếm khí phát triển kém trong môi trường giàu oxy).
Thuốc hoạt huyết làm tăng lượng máu đến khối u đồng nghĩa tăng các tế bào miễn dịch đến kìm hãm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tăng lượng máu đến khối u làm kiềm hóa môi trường quanh khối u (tế bào ung thư hoạt động kém trong môi trường kiềm và phát triển trong môi trường acid). Tăng cường đưa các thuốc có tác dụng diệt hay kìm hãm tế bào ung thư.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ket-hop-dong-y-trong-dieu-tri-hoi-chung-tang-dong-mau-10295314.html