(TN&MT) – Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương đã và đang tăng tốc chuyển đổi số ngành TN&MT tỉnh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý về tài nguyên và môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ quan trọng này. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Sự – Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương.
PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng trong công tác chuyển đổi số mà ngành TN&MT tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Ngô Quang Sự: Thời gian qua, Sở TN&MT Bình Dương đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện việc Chuyển đổi số, Cải cách hành chính và Đề án 06. Theo đó, Sở TN&MT cũng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường và thị trấn thông báo đến người dân có đất trên địa bàn quản lý mang theo Căn cước Công dân hoặc Chứng minh Nhân dân và Giấy chứng nhận, liên hệ Trung tâm Phục vụ hành chính công các huyện, thành phố hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của tỉnh Bình Dương để thực hiện đính chính hoặc cập nhật thông tin vào Giấy chứng nhận đã cấp. Đến nay, 95% thông tin về người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai và cũng đã được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, Sở TN&MT Bình Dương là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện khai thác cơ sở dữ liệu đất đai nhằm cắt giảm giấy tờ trong giải quyết thủ tục dịch vụ công về lĩnh vực cư trú. Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn đầu tư hệ thống trang thiết bị quan trắc tự động, phần mềm đầu tư với công nghệ hiện đại, tự động hóa, nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, giúp kiểm soát được hơn 80% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, Sở TN&MT Bình Dương kết nối và chia sẻ cho Hệ thống IOC của tỉnh Bình Dương nhằm cung cấp đến cộng đồng một số thông tin của ngành Môi trường như: Dữ liệu quan trắc các thành phần môi trường, bao gồm các dữ liệu về các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; phục vụ giám sát môi trường khí thải, nước thải, nước mặt, nước dưới đất và không khí xung quanh theo thời gian thực ở mức cao nhất. Sở TN&MT sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị quan trắc môi trường và phần mềm vận hành cơ sở dữ liệu môi trường, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học để nâng cao năng lực quản lý; hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn tỉnh Bình Dương trên cơ sở tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin khác.
PV: Xin ông chia sẻ về những thuận lợi và những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành TN&MT tỉnh Bình Dương?
Ông Ngô Quang Sự: Hệ thống thông tin đất đai tỉnh Bình Dương đã được xây dựng từ rất sớm, hoàn thiện và đưa vào vận hành tập trung chính thức cả tỉnh vào năm 2014. Việc vận hành cơ sở dữ liệu đất đai tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho Sở TN&MT Bình Dương trong việc chuyển đổi số, kịp thời triển khai việc đồng bộ và chia sẻ dữ liệu ngành cho Bộ TN&MT và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên thông dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin khác trong tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, ngay từ những ngày đầu phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp dịch vụ, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã kịp thời đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động, phục vụ công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các nguồn thải lớn đã được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động giúp kiểm soát từ xa được hơn 80% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chia sẻ dữ liệu quan trắc nước thải, không khí, nước mặt với Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) của tỉnh Bình Dương theo thời gian thực.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, các cơ sở dữ liệu của ngành TN&MT tỉnh đã xây dựng từ rất sớm khi quy định về chuẩn dữ liệu và khung kiến trúc cơ sở dữ liệu của ngành chưa được ban hành, nên dữ liệu chưa đồng bộ, còn phân tán, gây khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ thông tin với các ngành, các cấp và các cơ sở dữ liệu khác; hạ tầng công nghệ thông tin Sở TN&MT đầu tư đáp ứng nhu cầu cơ bản nhưng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ; việc triển khai quản trị, vận hành các cơ sở dữ liệu, Sở TN&MT vẫn phụ thuộc vào các hình thức hướng dẫn; giải pháp bảo mật thông tin chủ yếu vẫn do cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách công nghệ thông tin thực hiện. Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo chính quy, bố trí vào các vị trí chuyên trách, bán chuyên trách trong các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành TN&MT tỉnh.
PV: Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ngành TN&MT tỉnh, Sở TN&MT Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Ông Ngô Quang Sự: Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định tại Quyết định số 2178/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành TN&MT tỉnh. Theo đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám; xây dựng giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ việc quản lý, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới về tổ chức các lĩnh vực này.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng giải pháp kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu, làm sạch cơ sở dữ liệu địa chính để tích hợp khai thác thông tin chỗ ở hợp pháp phục vụ dịch vụ công cư trú, tích hợp các giấy tờ nhà đất lên VNeID theo quy định; xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo theo Thông tư số 09/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024 của Bộ TN&MT quy định về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đảm bảo triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng đa mục tiêu.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn tỉnh Bình Dương trên cơ sở tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin khác; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác quản lý đối với lĩnh vực môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đổi mới công tác quản lý môi trường thông qua hệ thống quan trắc tự động, thu thập thông tin từ internet vạn vật (IOT) và các thiết bị đầu cuối.
Hiện nay, Sở TN&MT Bình Dương đang tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, đo đạc và bản đồ; đảm bảo đồng bộ cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chia sẻ và liên thông với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực chuyên ngành do Bộ TN&MT xây dựng, quản lý; mở rộng hệ thống quan trắc nhằm hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường; xây dựng phần mềm quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu môi trường, đảm bảo tiếp nhận, phân tích và cảnh báo về môi trường; đầu tư, nâng cấp, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin với các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo quản lý, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường theo nguyên tắc hiệu quả, kế thừa, đồng bộ, thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-duong-tang-toc-chuyen-doi-so-nganh-tn-mt-383685.html