Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gắn bó bởi quan hệ truyền thống lâu đời, được các thế hệ nhân dân và lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Trên nền tảng lịch sử đoàn kết và hợp tác toàn diện, những chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước không chỉ làm sâu sắc thêm tình đoàn kết mà còn định hướng chiến lược cho sự phát triển toàn diện trong quan hệ song phương.
Củng cố tin cậy chiến lược
Năm 2023 và 2024 đánh dấu hàng loạt chuyến thăm cấp cao quan trọng giữa lãnh đạo hai nước. Những cuộc gặp gỡ trực tiếp này không chỉ tạo điều kiện trao đổi về các vấn đề chiến lược mà còn củng cố tin cậy chiến lược, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Cuối tháng 11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có chuyến thăm chính thức Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có gần 30 hoạt động chính thức. Trong đó, ông hội đàm Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary; hội kiến với Thủ tướng Hun Manet và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Samdech Hun Sen…
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã đồng chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia. Đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia, là công trình mang tính biểu tượng của tình đoàn kết hai nước.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao tặng Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia cho Chủ tịch Trần Thanh Mẫn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vinh dự này không chỉ là của cá nhân mà còn là sự ghi nhận đóng góp của Quốc hội và các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã dày công vun đắp, góp phần thắt chặt quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam – Campuchia” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau. Đồng thời đề ra phương hướng và biện pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa hai nước trong thời gian tới; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm cũng tăng cường giao lưu, tiếp xúc giữa các ủy ban, nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước cũng như phối hợp hành động tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Chủ tịch nước) đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia. Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của ông trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như của cá nhân Chủ tịch nước đối với quan hệ gắn bó thân thiết, tin cậy giữa Việt Nam và Campuchia. Chuyến thăm là dấu mốc để củng cố, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni; hội đàm với Chủ tịch CPP, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhất trí thúc đẩy, tăng cường đoàn kết, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hai bên đặc biệt nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, gắn bó, hữu nghị và cần tiếp tục tuyên truyền cho thế hệ trẻ về giá trị, lịch sử của quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí triển khai mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, quốc phòng – an ninh, hợp tác biên giới, nguồn lao động, giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí tích cực hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Thúc đẩy hợp tác toàn diện
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Campuchia Hun Manet chọn Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên ông thăm chính thức vào tháng 12/2023 sau khi nhậm chức. Chuyến thăm không chỉ thể hiện sự coi trọng, mà còn là cơ hội thúc đẩy hợp tác thực chất trong kinh tế, thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp gỡ đoàn Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12/2023. (Ảnh: Nguyễn Tùng) |
Chuyến thăm đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng, gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Campuchia; mở đường bay thẳng từ Hà Nội (Việt Nam) đến Siem Reap (Campuchia).
Đặc biệt, Thủ tướng Hun Manet đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Việt Nam, khẳng định quyết tâm của Campuchia trong việc xây dựng quan hệ kinh tế chiến lược với Việt Nam. Các thỏa thuận đạt được hứa hẹn sẽ tạo nền tảng để hai bên đạt kim ngạch thương mại song phương vượt mức 11 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo báo chí Campuchia, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet góp phần củng cố và vun đắp tình hữu nghị ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, trong khu vực và quốc tế.
Cũng trong tháng 12/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary đã thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của bà trên cương vị Chủ tịch Quốc hội ngay sau khi Campuchia tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII và kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới vào tháng 8/2023. Đây cũng là dịp để hai bên trao đổi chân thành, tin cậy về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; tình hình quốc tế, khu vực, những vấn đề có thể tác động đến an ninh, ổn định, phát triển của mỗi nước và những nội dung, biện pháp, định hướng nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Campuchia đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực trong đó có hợp tác giữa nghị viện hai nước trên khuôn khổ song phương và đa phương.
Trao đổi với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nhận định: các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và định hướng cho quan hệ giữa hai nước.
“Thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược định hướng cho tổng thể quan hệ. Hai bên cũng khẳng định tôn trọng và thực thi đầy đủ các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, quyết tâm xây dựng quan hệ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia mãi trường tồn”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng phát biểu.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/nhung-chuyen-tham-cap-cao-cung-co-tinh-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-campuchia-207666.html