(NLĐO) – Một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, trong bối cảnh tỉ giá USD/VNĐ đi lên, nhu cầu tín dụng cuối năm cao…
Thống kê sơ bộ từ đầu tháng 11 đến nay, một loạt ngân hàng như MB, Agribank, Nam A Bank, VietABank, Vietbank, Nam A Bank, VIB… đã điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng phân tích, Công ty giải pháp dữ liệu WiGroup, về xu hướng này.
– Phóng viên: Xu hướng tăng lãi suất huy động trở lại và có vẻ nhanh hơn giai đoạn trước, dù mức tăng không quá cao, vì sao?
+ Ông Trương Đắc Nguyên: Hiện nay, thị trường tài chính chứng kiến một đợt tăng mạnh lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại, phản ánh 3 nguyên nhân chủ đạo.
Tính thời vụ đóng vai trò quan trọng. Cuối năm luôn là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng cao, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh hút vốn bằng cách tăng lãi suất tiền gửi.
Đây không phải hiện tượng riêng của năm nay mà đã được quan sát trong các chu kỳ trước như năm 2021, 2022, kể cả trong các năm định hướng giảm lãi suất mạnh cả năm thì về cuối năm tốc độ giảm chậm lại như năm 2023. Những điều này cho thấy tính vụ mùa, rằng cứ cuối năm nhu cầu vốn cao, lãi suất có xu hướng tăng.
– Dù tăng nhưng mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp?
+ Đúng vậy. Năm nay, mặt bằng lãi suất đang ở phục hồi từ đáy rất thấp và có thời điểm lãi suất của ngân hàng thương mại nhỏ chỉ ngang lãi suất huy động của ngân hàng thương mại lớn.
Điều này kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng đã nóng lên rõ rệt từ nửa cuối năm 2024, như nhận định trước đó từ Wigroup hồi tháng 8 năm nay.
Các ngân hàng nhỏ, để duy trì sức cạnh tranh, đã tăng mạnh lãi suất huy động nhằm tạo chênh lệch đủ lớn so với các ngân hàng lớn.
Khi dư nợ tín dụng toàn hệ thống vào cuối tháng 9-2024 đạt 14,7 triệu tỉ đồng, vượt xa mức tổng huy động vốn 14,5 triệu tỉ đồng, áp lực thanh khoản buộc ngân hàng lớn cũng phải điều chỉnh chính sách lãi suất để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế.
Một yếu tố nữa là áp lực từ thị trường ngoại hối với sự biến động tỉ giá gần đây càng làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
– Vậy đà tăng lãi suất huy động lần này có đáng lo?
Có khá nhiều lý do để tin rằng đà tăng này sẽ không kéo dài và không gây ra đảo ngược xu hướng của lãi suất.
Trước tiên, áp lực lạm phát tại Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt chỉ 2,69%, tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
Với lạm phát nằm trong vùng an toàn, việc tăng lãi suất huy động có thể chỉ mang tính thời điểm nhằm ứng phó với nhu cầu vốn ngắn hạn, thay vì trở thành một xu hướng dài hạn.
Cầu tín dụng dù cao hơn so với đầu năm, có thể không tăng đột biến như lo ngại. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cùng lĩnh vực như bất động sản chưa được phá băng sẽ giới hạn nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp lớn.
Cuộc đua tăng lãi suất huy động đã diễn ra từ các tháng trước với khởi đầu là các ngân hàng nhỏ nhưng động lực tăng lãi suất sẽ không còn nhiều.
Các ngân hàng cũng đang phải đau đầu với việc biên lãi ròng (NIM) giảm kể từ quý III/2024 do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Do đó, khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động là không cao.
Cuối cùng là chính sách tiền tệ quốc tế như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chuyển sang giai đoạn ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất.
Áp lực từ tỉ giá do chính sách tiền tệ quốc tế vì thế có thể giảm dần, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định lãi suất huy động nội địa.
Nguồn: https://nld.com.vn/lai-suat-hom-nay-26-11-vi-sao-ngan-hang-o-at-tang-lai-gui-tiet-kiem-196241126100802623.htm