(Tổ Quốc) – Vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ (46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm “Nét đặc sắc của mỹ thuật truyền thống và ứng dụng, tái tạo các giá trị văn hóa trong kiến trúc đương đại”.
Tọa đàm do KGM Asia phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn, Dịch vụ và Thương mại Khởi Minh và Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức. Tọa đàm là sự kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế… thảo luận về những nét đặc sắc trong mỹ thuật truyền thống, tính ứng dụng trong đời sống đương đại; những câu chuyện thực tế về việc đưa các nét văn hóa dân gian vào đời sống; cơ hội, tiềm năng ứng dụng các giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc ngày nay.
Văn hóa truyền thống đóng vai trò nền tảng định vị thương hiệu quốc gia, đồng thời, giúp nghệ sĩ có cái nhìn trọn vẹn trong hành trình sáng tạo.
Anh Đào Minh Thành – KTS trưởng của Đào Studio cho rằng: “Đối với nghệ sĩ Việt, việc đưa các yếu tố văn hóa vào các thiết kế ứng dụng trong đời sống là bản năng, là điều đương nhiên và nó tồn tại trong căn tính mỗi người Việt. Đối với tôi, những chất liệu văn hóa Việt nếu có thể sử dụng được trong các thiết kế thì đó là một điều tuyệt vời.”
Một trong những ứng dụng mới đây nhất của anh và các cộng sự tại Đào Studio đó là “Bench Trâu” – chiếc ghế băng vốn rất thân thuộc với chúng ta, mang hình dáng của con trâu. “Cách chúng tôi tạo ra Bench Trâu này, đó là bằng ngôn ngữ hiện đại, đơn giản nhất, mạnh mẽ nhất, tạo ra một cái gợi cho người quan sát rằng chiếc ghế giống con trâu, chứ chúng tôi không miêu tả. Chúng tôi tạo ra vật dụng để mọi người dễ dàng nhận ra hình ảnh của một con trâu, hình ảnh quen thuộc với người Việt Nam, nhưng trên hình hài mới lạ hơn, đương đại hơn”, anh chia sẻ thêm.
Bench trâu – Chiếc ghế băng mang hình dáng một con trâu. (Ảnh: Thu Mai)
Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong thiết kế đồ nội thất mang lại những sản phẩm độc đáo, vừa đẹp mắt vừa mang nét đẹp văn hóa. Các món đồ nội thất không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc, kết nối con người với cội nguồn văn hóa của mình. Bên cạnh đó, sự phát huy truyền thống trong thiết kế cũng là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và đổi mới, giúp tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thẩm mỹ và nhân văn. Nhưng trên hết, nó là tình yêu, là trách nhiệm của những nhà thiết kế Việt đối với giá trị văn hóa của mình.
Đầu năm Giáp Thìn 2024, họa sĩ – nhà điêu khắc Vũ Dũng đã tạo nên một kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang tên “Hí Long Vân”, một sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình truyền thống và đương đại. (Ảnh: Thu Mai)
Họa sĩ – nhà điêu khắc Vũ Dũng là tác giả của rất nhiều tác phẩm điêu khắc linh vật con giáp tinh xảo. Đầu năm Giáp Thìn 2024, ông đã tạo nên một kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang tên “Hí Long Vân – Rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây”, một sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình truyền thống và đương đại. Nói về sự sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật linh vật con giáp, họa sĩ Vũ Dũng cho rằng người nghệ sĩ cần đặt ở một góc nhìn khác, như một món quà năm mới dành tặng công chúng. Nếu như hội họa, điêu khắc trước đây, mang đến cho người ta cái nhìn rằng các tác phẩm phải giống như thật mới là nghệ thuật, thì điêu khắc hiện đại ngày nay đã có sự thay đổi, tính nghệ thuật của nó nằm ở chỗ thần thái của tác phẩm có làm cho người ta liên tưởng đến linh vật đó hay không.
KTS. Đào Hương luôn trăn trở về việc làm sao để đưa được những nét văn hóa truyền thống vào các sản phẩm thiết kế. (Ảnh: Thu Mai)
KTS. Đào Hương – Giám đốc sáng tạo của KGM Asia, luôn trăn trở về việc làm sao để đưa được những nét văn hóa truyền thống vào các sản phẩm thiết kế, và làm như thế nào thì đó là một câu chuyện. Làm sao để những nét văn hóa truyền thống phải hài hòa trong thiết kế đương đại đồng thời có tính xu thế thời đại? Làm sao để yếu tố truyền thống hòa quyện nhẹ nhàng với những nét đương đại trong các không gian kiến trúc? Đó là đề bài mà KTS Đào Hương luôn đặt ra trước khi bắt tay thực hiện một dự án.
Nổi bật trong số những dự án đó, có thể kể đến Smarana Hanoi Heritage, đây là khách sạn đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội được xây dựng theo chủ đề tranh dân gian Hàng Trống, dưới sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này – ông Lê Đình Nghiên; tác giả cuốn Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống – nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và kiến trúc sư Đào Thị Thanh Hương.
Khuôn viên khách sạn bài trí như một buổi triển lãm, với trung tâm là bộ sưu tập lên tới hơn 50 bức tranh do chính nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ tay. Nhưng dấu ấn của dòng tranh từng một thời nức tiếng không chỉ dừng lại ở những bức tranh trang trí, mà còn có những đường nét, họa tiết, màu sắc, đặc trưng còn thể hiện sáng tạo và tinh tế trong cả không gian kiến trúc tại Smarana Hanoi Heritage.
“Với tôi, làm sao để các chi tiết di sản hoặc chi tiết về văn hóa “len lỏi”vào trong cuộc sống hàng ngày của người dân, hoặc những sản phẩm thiết kế thông thường là một điều rất quan trọng. Thực tế, sau khi thực hiện nhiều dự án mang tính truyền thống, tôi nhận ra rằng, trước tiên, người nghệ sĩ phải yêu di sản, từ đó, chúng ta đặt mình phải suy ngẫm xem chúng ta sẽ lấy cái gì, chọn lọc chi tiết nào trong giá trị di sản, văn hóa đó, truyền tải ra sao, tất cả cũng cần có một câu chuyện” – KTS Đào Hương nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ cũng đã chia sẻ về khía cạnh thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng các chi tiết, yếu tố văn hóa truyền thống trong kiến trúc đương đại. Các ý kiến tại tọa đàm đã mang đến góc nhìn mới và mở ra những tiềm năng về việc đưa những giá trị văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong đời sống thường nhật./.
Nguồn: https://toquoc.vn/tai-tao-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-kien-truc-duong-dai-20241126004818014.htm