NDO – Sáng 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Báo Văn hóa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; các sở, ngành, địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các nghệ nhân, các doanh nghiệp du lịch…
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, cùng với truyền thống lịch sử hào hùng, Quảng Ngãi còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều dân tộc anh em. Trong đó, các dân tộc thiểu số như Cor, H’re, Ca Dong đã và đang lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu chào mừng hội thảo. |
Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, ngữ văn dân gian như: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, hát ru; các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: âm nhạc, múa, hát, sân khấu và tập quán xã hội, các lễ hội, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian vô cùng phong phú. Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Đấu Chiêng của người Co, huyện Trà Bồng; Nghề Dệt thổ cẩm, Đánh Chiêng Ba của người Hrê, huyện Ba Tơ…Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian có nguy cơ mai một, cần phải cấp thiết bảo tồn.
“Việc nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý mà cần có sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là sự đồng hành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cùng bàn bạc tìm ra các giải pháp cả về lý luận lẫn thực tiễn nhằm kết nối bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững”, đồng chí Trần Phước Hiền chia sẻ.
Phó Vụ trưởng Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) Đinh Xuân Thắng trình bày tham luận Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, đi sâu phân tích, đánh giá tiềm năng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; những nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển và định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề kết nối các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, điểm đến Quảng Ngãi tới các trung tâm du lịch trên cả nước.
Đồng thời, giới thiệu các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cũng như giải pháp phát triển du lịch Quảng Ngãi thời gian tới.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo. |
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai rộng rãi trên cả nước.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, ngày 22/11, các đại biểu đã tới tham quan, khảo sát tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi và là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tham quan Làng Gò Cỏ, điểm du lịch OCOP 3 sao, nơi lưu giữ giá trị văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh; tham quan Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, nơi đang trưng bày 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị, là địa điểm tham quan, tìm hiểu thú vị về nền văn minh tồn tại 2.000-3.000 năm trước.
Nguồn: https://nhandan.vn/tim-giai-phap-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-mang-tinh-toan-dien-post846496.html