Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 3 “điểm nghẽn” lớn hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế được xem là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 3 “điểm nghẽn” lớn hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế được xem là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Doanh nghiệp gặp rất nhiều điểm nghẽn về thể chế, đặc biệt khi muốn làm dự án nhà ở xã hội. |
Tới 11 lần lấy ý kiến vẫn chưa xong
Mang nỗi niềm đến Hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hòa Bình chia sẻ, từ năm 2000, Công ty Hòa Bình chuyển sang lĩnh vực xây dựng, hiện có 3 công trình xây dựng nhà ở và một khách sạn tại Hà Nội. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, năm 2021, công ty ông xin xây dựng nhà ở xã hội, song không thể thực hiện được vì có quá nhiều điểm nghẽn.
Theo ông Đường, Luật Nhà ở quy định, hàng năm, UBND cấp tỉnh phải bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng đến tận bây giờ, Hà Nội chưa bố trí một đồng ngân sách nào để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và đấu thầu chủ đầu tư, nên mặc dù đã “hết một đời” Luật Nhà ở năm 2014, đến nay, trên địa bàn Thủ đô không có dự án nhà ở xã hội nào tổ chức đấu thầu. Tất cả dự án làm nhà ở xã hội tại Hà Nội đều do doanh nghiệp tự đi xin và phần nhà ở xã hội nằm trong 20% quỹ đất nhà ở thương mại.
Rất nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Có những quy định không biết hỏi ai, vì hỏi cấp nào cũng không biết.
“Luật Nhà ở cũng quy định, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch và có nhu cầu làm nhà ở xã hội thì được giao làm chủ đầu tư; Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định, sau khi nhận hồ sơ xin làm nhà ở xã hội, tối đa 20 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh phải cấp chủ trương đầu tư.
Công ty chúng tôi có quyền sử dụng 3.500 m2 đất hợp pháp tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), ngày 30/12/2021, tôi gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xin làm nhà ở xã hội. Theo quy định, ngày 22/2/2022 là nhận được kết quả công nhận chủ đầu tư, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, nên ngày 24/5/2022 mới trình UBND Thành phố đề nghị cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Hòa Bình xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội lại yêu cầu Sở Xây dựng mời chủ đầu tư lên thông báo, Hà Nội có kế hoạch làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, nên không có chủ trương xây nhà ở xã hội riêng lẻ trong nội thành, với lý do đất nội thành là đất vàng. Đất vàng phải để bán cho người có tiền, chứ không làm nhà ở xã hội”, ông Đường bức xúc.
Chủ tịch Công ty Hòa Bình nói thẳng, trong suy nghĩ của nhiều người, nhà ở xã hội là dành cho “công dân hạng hai”, nhưng trên thực tế, người mua nhà ở xã hội chủ yếu là công chức, viên chức, những người làm việc cho hệ thống chính trị ở Trung ương và Hà Nội. “Tôi cũng làm nhà ở thương mại. Tôi làm ra, ai có tiền, tôi bán hết, kể những người có ‘tiền án, tiền sự’. Trong khi, nhà ở xã hội chỉ bán cho những ‘người tử tế’. Trong đó, đa phần là công chức, viên chức vì họ làm gì có tiền để mua nhà ở thương mại”.
“Dự án nhà ở xã hội rất nhân văn và thực hiện đầu tư đúng luật – ông Đường cho biết, UBND TP. Hà Nội không thể bác bỏ, nhưng lại yêu cầu lấy ý kiến các sở, ngành về thủ tục đất đai và sau 11 lần lấy ý kiến, đến tận bây giờ, dự án nhà ở xã hội vẫn chưa được cấp phép”.
Ông Đường tâm đắc với lời của Tổng Bí thư Tô Lâm và chia sẻ, Hà Nội cũng như các địa phương khác vì không có tiền nên không có kinh phí giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Và cũng vì không có tiền nên đất vàng phải để bán, chứ không cho làm nhà ở xã hội.
“Sóng thần” cản trở nhà đầu tư nước ngoài
“Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VAFIE, nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm để đánh giá về mức độ nghiêm trọng của điểm nghẽn. Trong khi đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện thể chế, nhưng đáng tiếc, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khái quát, hệ thống pháp luật của Việt Nam được xây dựng không khác gì xây nhà mà quên mất phần móng.
“Muốn làm một ngôi nhà tồn tại qua nhiều thế hệ, điều đầu tiên là phải làm thật chắc cái móng. Sinh sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm, tôi quan sát thấy, những năm qua, Việt Nam xây dựng nhà với tốc độ nhanh, nhưng đã quên mất phần móng”, Chủ tịch Eurocham ví von.
Phần móng nhà, như ông Bruno Jaspaert nói, chính là sự minh bạch trong quy định pháp luật. “Rất nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau, nhưng đều giống nhau ở điểm, là giải thích có lợi nhất cho cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề là khi doanh nghiệp hỏi thì cán bộ, công chức ở địa phương hầu như không có đủ chuyên môn sâu để hiểu, nên lại phải hỏi cấp cao hơn, dẫn đến mất rất nhiều thời gian”, ông Bruno Jaspaert than phiền và nói rằng, ông có tới 200-300 câu chuyện cụ thể về việc này.
Theo Chủ tịch Eurocham, có cơn “sóng thần” rất lớn đang cản trở doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp lớn, chất lượng cao, sử dụng công nghệ nguồn mà Việt Nam đang khuyến khích. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển đầu tư sang các quốc gia lân cận, bởi hệ thống luật pháp Việt Nam là điểm nghẽn ngăn chặn dòng vốn này. “Đơn cử, Luật Bảo vệ môi trường có rất nhiều cản trở vì phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng. Khi doanh nghiệp muốn hỏi xem làm đúng hay sai, muốn tham vấn cơ quan quản lý nhà nước thì không biết tìm đến cơ quan nào để hỏi”, ông Bruno Jaspaert dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương nêu ví dụ, có những quy định không biết hỏi ai, vì hỏi cấp nào cũng không biết, chẳng hạn quy định chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
“Luật Đất đai quy định, trong nhiều trường hợp phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng không biết là ‘Quốc hội và Thủ tướng’ chấp thuận, hay chỉ cần Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư là được. Doanh nghiệp chịu không thể hiểu được trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, đi hỏi thì không nơi nào biết”, ông Quý bức xúc.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 đã xác định, “hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá” và đề ra nhiệm vụ phải “đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”.
“Đánh giá của Tổng Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ về điểm nghẽn thể chế đã làm mát lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước – những người lâu nay phải ‘ngậm đắng nuốt cay’ trước những thiệt hại nặng nề do nút thắt thể chế gây ra, làm mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, tốn kém nguồn lực và giảm sút nhiệt huyết”, ông Tuấn nói và cho rằng, nút thắt thể chế và tình trạng chậm trễ, thiếu nhất quán trong giải quyết các thủ tục đầu tư cần sớm được tháo gỡ để tăng sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/noi-long-cua-doanh-nghiep-ve-diem-nghen-the-che-d230562.html