Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là sự kiện có tính lịch sử.
Quan tâm về nguồn lực để thành phố Huế vươn xa
Thảo luận về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương chiều 21/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Về cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội, Thừa Thiên Huế đã đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế – xã hội áp dụng cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, về cân đối thu chi ngân sách, tổng thu năm 2023 đạt trên 11.000 tỷ đồng, chi ngân sách trên 10.000 tỷ đồng. Về thu nhập bình quân đầu người, so với bình quân cả nước bằng 0,95 lần mức bình quân chung của cả nước, đạt tiêu chuẩn.
Theo đại biểu, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng hiện nay thành phố Huế bước đầu thành lập sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề đô thị hóa. Bởi hiện nay mới có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Do đó đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế – xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.
Thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam
Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đây là sự kiện có tính lịch sử để xem xét và quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Nếu được thông qua, đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết: “Trong các ý kiến phát biểu, chúng tôi còn cảm nhận thấy có những cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước chúng ta, về tương lai cho sự phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ý kiến phát biểu của các đại biểu chất chứa tất cả những suy nghĩ, mong muốn, kỳ vọng và đề xuất những nội dung để Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương, phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm.
Khi xây dựng đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tích hợp, đồng bộ với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, có việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Bộ trưởng, sau sắp xếp, thành lập, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện, có 133 đơn vị hành chính cấp xã.
Không chỉ tập trung thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng cho biết cần phải gắn kết sự đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay.
Bộ trưởng cũng tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, tại kỳ họp này Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước mắt, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết này và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi sơ kết 5 năm, Bộ Chính trị sẽ có kết luận mới và các cơ quan liên quan tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa…
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56591