Sáng 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Mới đây, trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…”.
Tiên phong, gương mẫu đi đầu, ngay từ khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã cùng Đảng ủy Công an Trung ương, tập thể lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quyết liệt trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với Bộ Công an, một số bộ, ngành, địa phương cũng rất tích cực thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay, nhiều bộ, ngành, đơn vị, địa phương vẫn còn thực trạng chưa quyết tâm, chưa quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Ở loạt bài này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc nhìn nhận thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp về việc sắp xếp, tổ chức của bộ máy trong hệ thống chính trị đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới theo đường lối, chủ trương, quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bài 3: Những giải pháp cấp bách để việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy đạt được hiệu quả cao nhất
Ngoài các giải pháp trọng tâm, trong bài viết với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” và các phát biểu trên nghị trường Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung: Các cơ quan trung ương phải gương mẫu thực hiện đầu tiên và phải gắn việc tinh giản biên chế với vấn đề cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đạt được hiệu quả cao nhất…
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…
3 giải pháp trọng tâm cần khẩn trương thực hiện
Để khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Để làm được tốt điều này, đồng chí Tổng Bí thư cho biết, cần tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…
Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…
Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội…
Các cơ quan ở cấp trung ương phải gương mẫu đi đầu
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, trong đó nêu rõ: Giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 thì phải đồng thời: Thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026; Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021.
Trong phiên thảo luận tại Tổ 12 (ngày 31/10/2024) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. “Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, cách thức tiến hành như thế nào, đây là vấn đề rất lớn, phải tính đến” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho biết, trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh lại một lần nữa yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy để thật sự đem lại hiệu lực, hiệu quả trong cải cách bộ máy hành chính hiện nay, đặc biệt là các bộ, ngành, bộ phận tham mưu có chức năng trùng lắp.
Vì vậy, theo đại biểu, trong bài viết của Tổng Bí thư và ý tưởng của đồng chí đã nêu rõ tất cả các bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu cần sắp xếp, tinh gọn để bộ máy cấp trên và cơ sở có sự thống nhất trong công tác điều hành. Còn các bộ phận trung gian tham mưu nếu không cần thiết, có thể tinh gọn để thời gian tới, khi xếp ngạch bậc lương theo chính sách tiền lương mới, theo vị trí việc làm sẽ mang lại hiệu quả và đảm bảo đời sống cho cán bộ.
“Tôi được biết, có một số bộ ngành khẳng định, nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt. Vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư chỉ đạo?” – đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới. Vì vậy, để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần rà soát và có cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản. Cùng với đó, có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.
Cũng trong phiên thảo luận tại Tổ 12, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sắp tới, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.
Gương mẫu, tiên phong đi đầu, sáng 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Quyết định nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Ủy viên.
Ngoài ra, Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Tiếp đó, mới đây nhất, ngày 18/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thành viên Ban Chỉ đạo…
Bài học quý từ thực tiễn gắn “tinh giản” với sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Bộ Công an
Để đạt được hiệu quả cao nhất, không chỉ tinh giản biên chế một cách cơ học, đơn thuần mà cần phải gắn công tác này với vấn đề cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả… Nhiệm vụ này đã được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thực hiện rất bài bản, khoa học và đạt được nhiều kết quả to lớn, là kinh nghiệm quý để nhiều bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, học hỏi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hoạt động.
Cùng với các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) năm 2018 được Quốc hội thông qua là căn cứ pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề gắn “tinh giản” với sắp xếp, tổ chức lại sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2018), các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 17): Xác định xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn.
Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ.
Với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, từ năm 2018, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy. Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc (tổ chức tháng 6/2022) cho thấy, tính từ năm 2018 đến ngày 14/5/2022, công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc (sớm hơn 6 tháng so với quy định).
Kết quả, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, lực lượng Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 82.000 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; trực tiếp giải quyết hơn 49.000 vụ, chuyển cơ quan khác hơn 6.000 vụ và phối hợp với các lực lượng giải quyết hơn 7.000 vụ; xử lý hành chính hơn 26.000 vụ, việc…
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự cũng được thực hiện bài bản hơn, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật ngay từ cơ sở. Những thành quả này nhận được sự đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị, sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Tiếp theo việc sắp xếp, bố trí Công an chính quy về làm Công an xã, Bộ Công an tiếp tục chủ trì xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 28/11/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Luật nhằm sắp xếp, tổ chức lại lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, lực lượng dân phòng, không làm tăng biên chế nhưng đạt được hiệu quả tối đa, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng Công an xã chính quy trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở.
Đưa Công an chính quy về xã; xây dựng, hỗ trợ, huấn luyện và thừa ủy quyền của cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp điều hành, chỉ huy hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là 2 trong những thành quả lớn của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong việc gắn tinh giản với cơ cấu, tổ chức lại lực lượng một cách bài bản, khoa học.
Thành quả này của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an là một trong những minh chứng sống động khẳng định tư tưởng, đường lối đúng đắn của Đảng trong chủ trương gắn tinh giản biên chế với vấn đề cơ cấu lại cán bộ; là kinh nghiệm quý để nhiều bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, học hỏi trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; là “chìa khóa” góp phần “mở toang” cánh cửa đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng và đang quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56593