(LĐXH) – Một số quốc gia châu Âu đang có biện pháp ngăn chặn tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển tới các nước giàu có với mức lương cao hơn trong khối.
Gần đây, kỹ sư hàng không vũ trụ Pedro Monteiro có kế hoạch chuyển từ Bồ Đào Nha đến các nước láng giềng châu Âu giàu hơn để tìm kiếm một công việc được trả lương cao sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Lisbon.
Nhưng các khoản giảm thuế do Chính phủ Bồ Đào Nha đề xuất cho lao động trẻ lên đến mức miễn thuế thu nhập tạm thời 100% trong một số trường hợp cùng với sự hỗ trợ về nhà ở khiến anh phải suy nghĩ lại.
“Các chính phủ trước đã không để tâm tới người trẻ. Đất nước cần chúng tôi và chúng tôi muốn ở lại nhưng cần thấy những dấu hiệu từ chính phủ thể hiện, họ đang thực hiện các chính sách có thể giúp ích cho chúng tôi”, anh Monteiro, 23 tuổi cho biết.
Monteiro liệt kê những vấn đề mà anh và nhiều người đang phải đối mặt: Giá thuê hoặc mua nhà ngày càng tăng cao do sự xuất hiện của người nước ngoài giàu có đổ xô tới Bồ Đào Nha do các chính sách cư trú dễ dàng cùng các khoản giảm thuế. Anh hoài nghi liệu các biện pháp mới của Chính phủ có đủ để giải quyết vấn đề này.
“Bạn của tôi đang làm việc ở nước ngoài và kiếm được đáng kể cùng với cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn. Tôi hoài nghi về cơ hội việc làm của mình ở Bồ Đào Nha”, anh nói.
Bồ Đào Nha là quốc gia mới nhất ở châu Âu tìm cách giải quyết tình trạng “chảy máu” chất xám đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Các khoản giảm thuế cho lao động trẻ đang được Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực năm 2025. Chính sách có thể mang lại lợi ích cho 400.000 người trẻ với chi phí hàng năm là 525 triệu euro.
Sự di cư của nhóm lao động chất lượng cao đến các quốc gia giàu có hơn ở phía bắc là vấn đề mà Bồ Đào Nha cùng một số quốc gia khác ở Nam và Trung Âu đang phải đối mặt. Người lao động tận dụng các quy tắc tự do di chuyển trong khối Liên minh châu Âu và không gặp phải rào cản trong việc chuyển nơi làm việc. Điều này đã buộc nhiều quốc gia phải có kế hoạch giữ chân người tài.
Theo tổ chức Đài quan sát di cư của Bồ Đào Nha, khoảng 2,3 triệu người sinh ra tại Bồ Đào Nha, tương đương 23% dân số đang sống ở nước ngoài, trong đó 850.000 công dân Bồ Đào Nha trong độ tuổi 15 – 39, tương đương khoảng 30% người Bồ Đào Nha trẻ tuổi và 12,6% dân số trong độ tuổi lao động.
Điều đáng lo ngại hơn là khoảng 40% trong số 50.000 người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng kỹ thuật di cư ra nước ngoài mỗi năm, theo một nghiên cứu của Business Roundtable Portugal và Deloitte. Điều này khiến Bồ Đào Nha thiệt hại hàng tỷ euro do mất thuế thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.
Di cư nội bộ trong EU một phần là do sự chênh lệch về tiền lương giữa các quốc gia thành viên. Một số người di cư vì lý do kinh tế cũng cho biết đang tìm kiếm các phúc lợi tốt hơn như lương hưu, chăm sóc sức khỏe cũng như môi trường làm việc.
Bà Eszter Czovek (45 tuổi) và chồng đã quyết định chuyển từ Hungary sang Áo, nơi người lao động kiếm được trung bình 40,9 euro/giờ so với 12,8 euro/giờ ở Hungary. Số lượng người Hungary sống tại Áo đã tăng lên 107.264 vào đầu năm 2024, so với con số 14.151 người vào thời điểm Hungary gia nhập EU.
Chồng của bà Czovek làm trong ngành xây dựng đã được mời tới Áo làm việc, trong khi bà đã làm việc trong ngành truyền thông và kế toán tại nhiều công ty đa quốc gia. Bà viện dẫn mức lương, lương hưu, điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe tốt hơn là động lực để chuyển đi.
Kể từ sau khi Anh rời EU, Hà Lan đã trở thành điểm đến ưa thích của nhân tài Bồ Đào Nha trong khi Đức và các nước Scandinavia cũng rất được ưa chuộng. Tại Bồ Đào Nha, họ phải đối mặt với mức thuế cao thứ 8 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngay cả khi giá nhà tăng 186% và tiền thuê nhà tăng 94% kể từ năm 2015, theo các chuyên gia bất động sản Confidencial Imobiliario.
Theo Eurostat, một người độc thân ở Bồ Đào Nha kiếm được trung bình 16.943 euro sau thuế vào năm 2023 so với 45.429 euro ở Hà Lan. Với chính sách mới, Bồ Đào Nha sẽ miễn thuế cho người dưới 35 tuổi có thu nhập lên đến 28.000 euro/năm với mức miễn thuế 100% trong năm đầu tiên làm việc, dần giảm xuống mức 25% giữa năm thứ 8 và 10.
“Chúng tôi đang tạo ra giải pháp vững chắc nhằm giải quyết lý do chính khiến người trẻ rời đi”, Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Antonio Leitao Amaro cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Ông Leitao Amaro không biết liệu các khoản giảm thuế có hiệu quả không và Bồ Đào Nha phải thử điều gì đó mới. “Nếu chúng ta không hành động một cách tham vọng, mọi thứ sẽ không thay đổi và Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục đi theo con đường này”, ông nói.
Tại Italy, Chính phủ nước này đã nhận ra thực tế, các ưu đãi về thuế nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây tốn kém và dễ xảy ra gian lận. Hồi tháng 1, Italy đã bất ngờ cắt giảm chương trình hỗ trợ thuế ngay cả khi nó thu hút được những nhân viên công nghệ như cô Alessandra Mariani trở về nước.
Trước năm 2024, những người Italy trở về nước được giảm thuế 70% trong 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm nữa trong một số trường hợp nhất định. Bây giờ, Italy có kế hoạch tung ra chương trình quy mô nhỏ hơn do đang thiếu nghiêm trọng giáo viên và nhà nghiên cứu.
Cô Mariani cho biết, các ưu đãi là điều thuyết phục cô quay trở lại Milan năm 2021, bởi nó cho phép cô duy trì mức sống tương tự như cô đã được hưởng ở London, Anh.
Đức Hoàng (theo Reuters)
Báo Lao động và Xã hội số 141
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/chau-au-no-luc-chong-chay-mau-chat-xam-20241121225841581.htm