(LĐXH) – Theo số liệu của Cục Việc làm, có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn không tuyển được người.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hiện nay có một số ngành nghề dù doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động nhưng nguồn cung khan hiếm, rất ít cơ sở đào tạo hoặc không kịp đào tạo.
Đơn cử như ngành thương mại điện tử, với sự phát triển “nóng” của thương mại điện tử hiện nay, nhu cầu lao động là rất lớn nhưng lao động trong ngành này hiện rất khan hiếm. Đi kèm với nó, lao động các ngành logistics, kho bãi… cũng rất khó tuyển dụng. Đây là các ngành mới mà đa số các công ty phải tự đào tạo.
Bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng Giám đốc khối Nhân lực Scommerce – một doanh nghiệp về thương mại điện tử cho biết, công ty hiện có 20.000 lao động, là một doanh nghiệp khởi nghiệp mới.
“Nhiều ngành nghề các cơ sở giáo dục đào tạo không kịp. Như ngành thương mại điện tử hiện nay rất ít trường đào tạo. Các ngành logistics, kho bãi cũng khó tuyển dụng. Không có đơn vị đào tạo nào cung ứng được nhân lực cho những ngành này.
Đây là các ngành mới mà đa số các công ty phải tự đào tạo. Các ngành mới hiện nay phát triển nhanh, chúng tôi phải tự học hỏi cách quản trị, phân loại hàng hóa… Các trung tâm cũng không đào tạo phân loại tự động. Hiện nay, chỉ có ngành vận tải doanh nghiệp có thể tuyển lao động qua đào tạo”, bà Trinh cho biết.
Cũng theo bà Lê Thị Đoan Trinh, vị trí người giao hàng (shipper) tưởng chừng như không có yêu cầu cao, không cần đào tạo, nhưng thực tế muốn làm chuyên nghiệp rất cần sự chuẩn chỉnh, biết sử dụng điện thoại thông minh để phân loại hàng hóa cũng như chăm sóc khách hàng… Các doanh nghiệp để tuyển được shipper chuyên nghiệp cũng không hề đơn giản.
Thiếu lao động cũng là một trong những khó khăn lớn của Công ty CP In số 7. Bà Lê Thị Bích Hằng, đại diện Ban Giám đốc Công ty CP In số 7 cho biết, trung bình mỗi năm, trên cả nước chỉ có khoảng hơn 100 lao động được đào tạo trong lĩnh vực in, khiến nguồn nhân lực trong ngành trở nên khan hiếm. Để đối phó, công ty đã tự đào tạo nhân lực để tồn tại và phát triển.
“Chúng tôi trực tiếp tuyển dụng và chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân. Đối với ngành in, để một lao động có thể sử dụng thành thạo máy in, cần từ 2 đến 3 năm đào tạo. Chúng tôi từng kỳ vọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay lập tức, nhưng điều này là không khả thi và công ty vẫn phải tiến hành đào tạo lại.
Tuy nhiên, điểm mạnh của lao động trẻ ngày nay là sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết. Do đó, công ty quyết định tuyển dụng sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 vào thực tập có lương, để vừa đào tạo vừa phát triển đội ngũ trẻ. Điều này giúp giải quyết phần nào những khó khăn trong công tác tuyển dụng”, bà Hằng cho biết.
Liên quan đến vấn đề kết nối cung- cầu lao động, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng lao động Việc Làm Tốt chỉ ra thách thức lớn nhất trong tuyển dụng nhân sự gặp phải: Thứ nhất là hiệu suất tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ ứng viên chưa được tối ưu hóa.
40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ. Thứ hai là sự phù hợp yêu cầu của ứng viên, hiện chỉ có khoảng 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra.
Bên cạnh đó cũng có những khó khăn về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khi việc điều chỉnh mức lương thưởng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để thu hút ứng viên.
Đáng chú ý, nhu cầu của người lao động hiện nay cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là top 3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động. Xu hướng làm việc linh động đang gia tăng ở một số nghề. Có khoảng 30% nhân sự chuyển sang hình thức bán thời gian, làm việc từ xa, lao động tự do.
Cũng theo bà Ngọc, yếu tố quan trọng nhất với người lao động trong quá trình đi tìm việc là tính tin cậy. Những khó khăn khi đi tìm việc của người lao động, đó là lo ngại độ tin cậy, khi 80% người tìm việc kỳ vọng tính xác thực của tin đăng và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều lao động không biết “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Cụ thể, 30% người tìm việc không biết cách thể hiện bản thân trong hồ sơ. Ngoài ra, nhiều người lao động còn e ngại quy trình ứng tuyển rườm rà, nhiều bước, có đến 60% kỳ vọng đơn giản hoá thủ tục ứng tuyển.
“Lương thưởng là tiền đề thu hút nhân sự, nhưng công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt mới là “ngôi nhà” để gắn bó. Như vậy, thông tin chính xác và đầy đủ là yếu tố then chốt khi tìm việc trên nền tảng số”, bà Ngọc cho biết.
Bảo Châu
Báo Lao động và Xã hội số 141
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nhieu-nganh-thieu-lao-dong-vi-cung-khan-hiem-20241121224042940.htm