Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Dự kiến điều chỉnh giá điện có thể tạo áp lực lạm phát
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, so với báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trong đó, tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm 2021 (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội…
Những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản là 5,6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lạm phát trong các tháng tiếp theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 201,4 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 2.158,1 nghìn tỷ đồng, tăng 342,1 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 122,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Qua báo cáo của Chính phủ và giám sát thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy, công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022 phục vụ việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận.
Tự bó hẹp không gian tài khóa
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhận định dự báo trong quý II-2023, kinh tế nước ta sẽ còn gặp phải nhiều thách thức, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo Chính phủ bổ sung làm rõ một số nội dung, như cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp, khó lường của thực tiễn.
“Về việc triển khai dự toán ngân sách nhà nước, tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương là xây dựng dự toán không sát với thực tiễn, không bảo đảm kỷ cương ngân sách. Vì vậy, cần có giải pháp triệt để, toàn diện để khắc phục tình trạng này”, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để có thời gian phục hồi, trả nợ, khắc phục nợ xấu. Đồng thời, cần kịp thời nghiên cứu, sửa đổi điều kiện cho vay sao cho hợp lý hơn; đẩy mạnh khai thác, tận dụng những hiệp định thương mại tự do FTA; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tối ưu hóa quy trình các thủ tục hành chính liên ngành, tránh đùn đẩy, né tránh thực thi công vụ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2022 xây dựng dự toán ngân sách nhà nước quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khóa. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xây dựng dự toán không sát là vấn đề nhiều năm không được khắc phục, có trách nhiệm một phần của Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về quy trình quyết định ngân sách nhà nước hằng năm.
Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, cần tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai. Cùng với đó, cũng cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch điện VIII…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sắp tới.