Là huyện vùng cao biên giới, Nậm Pồ là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao ở tỉnh Điện Biên, với trên 43%. Tuy nhiên, Nậm Pồ vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển rừng thông qua trồng và khoanh nuôi tái sinh, từ đó nâng cao hơn nữa tỷ lệ che phủ rừng.
Nậm Chua là một trong những xã có diện tích rừng ít, tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn so với tỷ lệ che phủ rừng chung toàn huyện, với chưa đầy 30%. Mặt khác, đây cũng là địa phương có không ít người dân không mặn mà với việc bảo vệ và phát triển rừng, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật về rừng.
Do đó, để bảo vệ toàn vẹn diện tích rừng hiện có với xã Nậm Chua không dễ dàng gì. Bởi vậy xã đã kết hợp nhiều biện pháp để tạo chuyển biến trong nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc giữ rừng.
Để bảo vệ được diện tích rừng hiện còn thì hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho xã ban hành văn bản tăng cường công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tuần tra rừng, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, tránh những hành vi xâm hại đến rừng.
Hàng năm người dân xã Nậm Chua (Nậm Pồ) phát dọn thực bì để phòng cháy rừng |
Ông Hoàng A Chính, Bí thư Chi bộ bản Nậm Chua 4 cho biết: Trên cơ sở văn bản của huyện và xã các bản đã có những quy định cụ thể trong việc giữ rừng thông qua việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Cùng với việc tuân thủ nội dung quy ước, các bản cũng đều phối hợp với lực lượng chức năng để phổ biến rộng rãi các ước, quy định về bảo vệ rừng cho bà con. Có ai xâm hại như làm cháy hay chặt phá thì bị xử phạt theo quy định của luật có sẵn. Không chỉ với xã Nậm Chua, mà tất cả các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều tuân thủ các biện pháp bảo vệ rừng trên cơ sở quy định của pháp luật và các nội dung trong quy ước bảo vệ rừng của các bản.
Đơn cử như với bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ này cũng vậy, mọi quy ước bảo vệ rừng đã được phổ biến cho bà con. Khi nắm bắt được các quy định và quy ước bảo vệ rừng, người dân sẽ tuân thủ và tự có trách nhiệm thực hiện các việc làm cần thiết để rừng trên địa bàn không bị xâm hại.
Ông Lường Văn Tiến, thành viên tổ bảo vệ rừng bản Nà Hỳ 3 cho biết: Bản còn thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 12 thành viên. Tổ sẽ chịu trách nhiệm hàng đầu ở bản trong việc bảo vệ rừng. Do đó, Quản lý, bảo vệ rừng của bản đã chủ động phân công nhau tuần tra rừng nhằm đảm bảo ngày nào cũng có người của tổ có mặt trên thực địa. Theo đó, tổ đã chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 người thay nhau lần lượt đi kiểm tra rừng nhằm phát hiện những diễn biến xấu trên rừng để chủ động các phương án xử lý tùy theo mức độ các diễn biến, sự việc ảnh hưởng đến rừng.
Đôi khi, việc tuần tra rừng của bản còn có sự tham gia của lực lượng chức năng xã phối hợp thực hiện. Mỗi khi lực lượng chức năng xã kết hợp cùng tổ bảo vệ rừng các bản đi tuần tra rừng đều gồm đầy đủ các thành phần: Kiểm lâm, Công an, Quân sự cùng thực hiện. Qua đó vừa thể hiện tốt về quy chế phối hợp giữa các bên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo vệ rừng của địa phương.
Lực lượng chức năng chỉ dẫn các vị trí rừng ráp ranh cho người dân để tránh rừng bị xâm hại |
Dù hiện nay, huyện Nậm Pồ mới bắt tay triển khai các dự án trồng rừng, chủ yếu là rừng sản xuất, diện tích rừng trồng chưa nhiều, nhưng việc khoanh nuôi rừng tái sinh vẫn được các xã thực hiện hằng năm.
Là địa phương dẫn đầu trong việc khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn huyện Chà Nưa đã thực hiện nhiều cách làm để nhân rộng diện tích rừng. Đến nay, toàn xã đã có trên 80% hộ dân không còn làm nương. Toàn bộ diện tích nương đều đã được khoanh nuôi thành rừng.
Công tác bảo vệ và chăm sóc tốt những diện tích rừng tái sinh của huyện Nậm Pồ ngày càng phát triển |
Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã Chà Nưa đã định hướng cho người dân làm nhiều cách khác ngoài nương rẫy để đảm bảo sinh kế, yên tâm phát triển rừng. Như định hướng cho bà con chăn nuôi, trồng rừng kinh tế dưới tán rừng, rồi kinh doanh hay vận động lao động là thanh niên đi tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp, đảm bảo thu nhập cho các gia đình, để họ không phải phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy nữa, tránh những tác động xấu đến rừng.
Điển hình như gia đình anh Bùi Văn Ngọc ở bản Cấu xã Chà Nưa cũng là một trong những hộ dân chủ động tìm sinh kế ngoài nương rẫy. Sau những tính toán cụ thể, gia đình đã gom vốn để đầu tư bán hàng tạp hóa tại gia đình. Đồng thời tiếp tục duy trì làm ruộng nước và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để có hiệu quả hơn. Từ đó giúp kinh tế gia đình anh được cải thiện và ổn định hơn so với làm nương. Hiện toàn bộ diện tích nương của gia đình đã được khoanh nuôi phát triển thành rừng.
Công tác tuần tra kiểm soát những cánh rừng ngày càng được lực lượng chức năng tăng cường |
Nhờ những cách làm như trên đã giúp cho tỷ lệ che phủ rừng của xã Chà Nưa nói riêng, huyện Nậm Pồ nói chung tăng qua từng năm. Các vụ việc xâm hại đến rừng cũng giảm dần cả về số vụ cũng như tính chất vụ việc và cả diện tích rừng, khối lượng gỗ bị thiệt hại. Từ đó, những cánh rừng ở nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ ngày một thêm xanh./.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/de-nhung-canh-rung-noi-bien-gioi-them-xanh-207682.html