Cao tốc Bắc Nam được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế – xã hội trên địa bàn; hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn.
Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tới TP Cà Mau với chiều dài 2.063 km. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần, giai đoạn 2021-2025 đã được với 12 dự án thành phần. Dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng khi đi qua 32 tỉnh, thành phố, tác động đến hơn 62% dân số, đóng góp gần 66% tổng sản phẩm trong nước, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, có 5.000 km vào năm 2030, đây là mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra về đột phá kết cấu hạ tầng.
Dân Việt xin giới thiệu một số hình ảnh các dự án thành phần cao tốc đã đi vào hoạt động và đang tích cực thi công trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông.
Dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25 m, đạt vận tốc thiết kế 120km/h (hiện vận tốc cho phép là 90km/h); giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17 m, đạt vận tốc thiết kế 80km/h. Đoạn cao tốc này giúp việc di chuyển từ Hà Nội về các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa nhanh và an toàn hơn. Ảnh: Lê Hiếu – Hữu Dụng.
Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài tuyến 50 km, đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa (6,5 km) và Nghệ An (43,5 km). Dự án có tổng vốn đầu tư 7.293 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2021, đưa vào khai thác tạm từ ngày 1/9/2023. Tại buổi lễ khánh thành dự án này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong tình hình nguồn lực ngân sách còn hạn chế, Đảng và Nhà nước đã chọn một số hành lang kinh tế để đầu tư hạ tầng, nhằm lan tỏa phát triển, trong đó có cao tốc Bắc – Nam. Đây là trục đường xương sống, huyết mạch đất nước và kết nối với các loại hình giao thông khác, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, các tỉnh thành có dự án đi qua. Ảnh: Võ Kiên.
Cũng giống như những dự án khác, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng đi xuyên qua những đồi núi điệp trùng, tạo nên cảnh quan hùng vỹ. Ảnh: Lê Tập.
Dự án tuyến cao tốc La Sơn – Hòa Liên, cùng với các tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn và Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ góp phần nâng cao khả năng khai thác tuyến cao tốc Bắc – Nam nói chung, đồng thời đảm bảo kết nối giữa các địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng và cả nước. Ảnh: Viết Niệm.
Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Ảnh: Xuân Công.
Hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, các nhà thầu trên dự án này đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, thi công xuyên lễ, làm việc ngày đêm để hoàn thành. Ảnh: Xuân Công.
Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong – Nha Trang có tổng chiều dài trên 83 km, điểm đầu tại Km 285 + 000, vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã, địa phận xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), Khánh Hòa; điểm cuối tại Km 368 + 000, vị trí giao với Quốclộ 27C thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), kết nối với công trình đường bộ cao tốc Nha Trang – Cam Lâm. Ảnh: Võ Công.
Những ngày này, trên công trường hàng trăm công nhân cùng các phương tiện tích cực thi công, từng bước hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang. Ảnh: Võ Công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau vào tháng 11/2024. Ảnh: Huỳnh Xây.
Nguồn: https://danviet.vn/canh-quan-hung-vy-tren-dai-lua-cao-toc-bac-nam-20241123101145859.htm