Công việc kinh doanh đã đưa bà McMahon đến với lĩnh vực giáo dục
Bà Linda McMahon (SN 1948) được biết tới nhiều nhất trong vai trò người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty giải trí Titan Sports, về sau, công ty đổi tên thành World Wrestling Entertainment (WWE).
Công ty giải trí WWE chuyên khai thác các sự kiện xoay quanh bộ môn thể thao đấu vật. Bà McMahon là giám đốc điều hành của công ty từ năm 1980 tới năm 2009. Dưới sự lãnh đạo của bà, công ty này từ một doanh nghiệp nhỏ đã trở thành một công ty giải trí đa quốc gia quy mô lớn tại Mỹ.
Trong quá trình vận hành công ty, tổ chức các giải đấu hấp dẫn thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ, bà McMahon đã luôn quan tâm tới hoạt động thiện nguyện nhằm mục tiêu phát triển giáo dục.
Bà từng phối hợp với các đô vật nổi tiếng thực hiện các hoạt động truyền thông, cổ vũ giới trẻ theo đuổi việc học một cách kiên trì, bền bỉ. Bà thường có những khoản đóng góp hào phóng gửi tới các trường đại học.
Xuyên suốt sự nghiệp của một doanh nhân, bà McMahon luôn thể hiện sự trân trọng dành cho nghề giáo, bà đề cao vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh, sinh viên thay đổi cuộc đời.
Vì những sự quyên góp hào phóng của bà McMahon, một số trường đại học từng mời bà trở thành thành viên danh dự trong ban quản trị của trường. Bà cũng từng tham gia Hội đồng Giáo dục bang Connecticut (Mỹ).
Thế mạnh của bà McMahon khi là ứng viên Bộ trưởng Giáo dục Mỹ
Năm 2009, bà McMahon thôi giữ vị trí giám đốc điều hành của công ty WWE do bà sáng lập, để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Năm 2017, khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông đã bổ nhiệm bà McMahon là người đứng đầu Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ (SBA). Hoạt động của bà McMahon khi đứng đầu cơ quan này được đánh giá là thành công.
Khi giao nhiệm vụ cho bà hồi năm 2017, ông Trump chỉ có một định hướng rất ngắn gọn: “Bà hãy làm tốt nhiệm vụ”. Điều đó có nghĩa bà McMahon có quyền tự quyết đối với các công việc nằm trong lĩnh vực do bà phụ trách. Giới doanh nhân làm chủ các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đánh giá bà McMahon đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Thực tế, chính sự thành công của bà McMahon trong vai trò doanh nhân và vị trí người đứng đầu Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ đã giúp bà có những ưu thế nổi bật trong vị thế ứng viên Bộ trưởng Giáo dục Mỹ.
Kinh nghiệm vận hành thành công doanh nghiệp riêng và hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ khiến bà McMahon trở thành người phù hợp để điều tiết khoản ngân sách gần 80 tỷ USD dành cho lĩnh vực giáo dục tại Mỹ.
Ông Neal McCluskey – giám đốc Trung tâm Tự do Giáo dục thuộc Viện Cato (Mỹ) – nhận định: “Vận hành hiệu quả nguồn ngân sách hỗ trợ học sinh, sinh viên Mỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Giáo dục.
Không phải ở giai đoạn nào, việc vận hành này cũng được tiến hành hiệu quả, một phần lý do đến từ việc không phải Bộ trưởng Giáo dục nào cũng có kiến thức và kinh nghiệm về cách vận hành tài chính. Một điểm mạnh của bà McMahon chính là kiến thức thực tế về vấn đề tài chính. Bà có thể trở thành chuyên gia trong việc sử dụng ngân sách hiệu quả”.
Những chính sách giáo dục được bà McMahon hướng đến
Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp chính trị, bà McMahon luôn thể hiện sự quan tâm dành cho lĩnh vực giáo dục. Chẳng hạn, bà quan tâm tới việc hỗ trợ các gia đình có ý định cho con theo học đại học và muốn hỗ trợ con trong việc đóng học phí ở bậc đại học.
Bà cho rằng với những gia đình này, nhà chức trách cần có chính sách hỗ trợ về thuế để họ tiết kiệm được nhiều tiền hơn cho kế hoạch học tập của con. Việc các gia đình tại Mỹ có khoản tiết kiệm lớn hơn dành cho việc học của con sẽ giúp thanh niên Mỹ tự tin theo đuổi việc học đại học, thay vì lo sợ việc nợ học phí rồi đành từ bỏ việc học đại học.
Bà McMahon còn cổ vũ chính sách giảm thuế cho những gia đình cho con theo học tại trường tư hay trường bán công. Theo bà, chính trường tư và trường bán công là môi trường thuận lợi nhất cho những thử nghiệm đổi mới về phương pháp giáo dục. Chính các trường này sẽ giúp tạo nên những mô hình ban đầu về việc ứng dụng những sự đổi mới trong phương pháp giáo dục.
Vì vậy, theo bà McMahon, nhà chức trách Mỹ cần tạo điều kiện để các trường tư và trường bán công có thể tuyển sinh rộng rãi hơn, thông qua những chính sách hỗ trợ về thuế đối với phụ huynh cho con theo học tại các trường này.
Bà McMahon đặc biệt cổ vũ việc nới rộng điều kiện đăng ký tuyển sinh, để phụ huynh Mỹ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn trường cho con ở tất cả các bậc học. Theo đó, bà mong phụ huynh Mỹ có quyền đăng ký cho con theo học tại bất cứ trường nào nằm trong bang nơi gia đình sinh sống, thay vì giới hạn tại quận nơi gia đình sinh sống như hiện nay.
Bà McMahon tin rằng gia tăng mức độ cạnh tranh giữa các trường trong quá trình tuyển sinh chính là cách hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục tại Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đặt lòng tin vào hướng đi này. Khi giới thiệu bà McMahon trong vai trò ứng viên Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, ông Trump đã nhấn mạnh: “Bà Linda sẽ chiến đấu không mệt mỏi để nới rộng quyền chọn trường cho các bậc phụ huynh tại Mỹ.
Bà Linda sẽ giúp phụ huynh Mỹ có quyền lực mạnh mẽ hơn trong quá trình đưa ra những quyết định quan trọng đối với việc học tập của con cái, cốt làm sao để những quyết định ấy là lý tưởng nhất trong điều kiện của mỗi gia đình”.
Bà McMahon đã dừng công tác tại Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp trong năm 2019, để cùng các chính trị gia ủng hộ ông Trump xây dựng kế hoạch chính sách mà ông sẽ cân nhắc thực hiện.
Một số ý tưởng chính sách áp dụng trong lĩnh vực giáo dục được bà McMahon cổ vũ bao gồm: gia tăng quyền chọn trường dành cho phụ huynh, khuyến khích các trường tư đưa ra gói hỗ trợ học phí, mở rộng các chương trình giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề…
Bà McMahon đặc biệt đề cao hoạt động dạy nghề, bởi theo bà, đây chính là con đường đưa tới sự nghiệp thành công dành cho những thanh thiếu niên lựa chọn không theo đuổi con đường học vấn.
Định hướng nghề nghiệp ban đầu của bà McMahon là trở thành giáo viên
Bà Linda McMahon có bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Pháp của Đại học East Carolina (Mỹ) và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của trường.
Đại học East Carolina vốn có thế mạnh về lĩnh vực sư phạm. Sau khi tốt nghiệp trường này, bà McMahon có đủ điều kiện để làm giáo viên tiếng Pháp, dù vậy, bà không theo đuổi công việc giảng dạy, mà theo đuổi hoạt động kinh doanh, sau đó, bà chuyển sang lĩnh vực chính trị.
Bà McMahon chưa từng có kinh nghiệm làm giáo viên giảng dạy trong trường học, hay kinh nghiệm quản lý một trường học nào. Dù vậy, đây không phải điều hiếm gặp đối với những người từng giữ vị trí Bộ trưởng Giáo dục Mỹ. Thực tế, đã có những Bộ trưởng Giáo dục Mỹ không có kinh nghiệm giảng dạy hay kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực giáo dục.
Nhìn chung, bà McMahon là một gương mặt mới trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ. Điểm mạnh của bà McMahon chính là kinh nghiệm về các vấn đề tài chính và phân bổ nguồn lực ở các cấp độ.
Kỷ niệm đẹp của bà McMahon thời đi học
Bà McMahon chia sẻ rằng giáo dục là lĩnh vực bà luôn dành sự quan tâm xuyên suốt sự nghiệp của mình, bởi bà hiểu tầm quan trọng của giáo viên trong việc làm thay đổi cuộc đời học sinh. Nhiều khi, thành tích trải dài trong suốt cuộc đời một con người lại bắt nguồn từ sự khích lệ ấm áp của một giáo viên.
Bà McMahon từng chia sẻ một kỷ niệm của bà khi học tiểu học: “Giáo viên chủ nhiệm năm tôi học lớp 5 là cô Hollister. Cô nghiêm khắc và đặt ra chuẩn mực cao cho học sinh của mình. Khi là học sinh của cô Hollister, tôi phải nỗ lực học tập chăm chỉ hơn, bởi cô giao nhiều bài tập.
Dù vậy, mỗi khi được nghe cô nói: “Em làm bài tốt lắm”; cùng với ánh mắt ấm áp biết cười của cô dành cho tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng và tự nhủ mình không bao giờ được làm điều gì khiến cô thất vọng. Tôi tin rằng mỗi học sinh đều xứng đáng có những giáo viên giúp thắp sáng ngọn lửa đam mê học tập”.
Theo bà McMahon, trẻ em Mỹ cần có những giáo viên biết khuyến khích học trò, biết cách đẩy lùi những giới hạn, để học sinh không tự hài lòng với chính mình, khi các em có tiềm năng để trở nên xuất sắc hơn.
Trẻ nhỏ cần có hình mẫu đẹp là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mình. Đó là những người biết đặt niềm tin vào các em, tạo nên những thử thách cho các em, truyền cảm hứng cho các em nỗ lực tiến bộ hơn. “Chúng ta phải làm sao để mỗi trường học đều đáp ứng được nhu cầu chính đáng này của học sinh”, bà McMahon nói.
Theo Education Week
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ung-vien-bo-truong-giao-duc-my-nhung-dieu-thu-vi-it-biet-20241123152323113.htm