Với những tuyên bố mạnh mẽ của cựu Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử về Trung Quốc, cùng với những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung trong nhiệm kỳ đầu, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng được dự báo sẽ là một thách thức lớn, nặng nề và phức tạp đối với quan hệ song phương trong 4 năm tới.
Quan hệ Mỹ – Trung được ông Trump tiếp quản
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát và ổn định hóa quan hệ sau giai đoạn căng thẳng dưới thời ông Trump.
Chính quyền của ông Biden đã theo đuổi chính sách Trung Quốc là “cạnh tranh có trách nhiệm”, với 3 trụ cột là duy trì đối thoại cấp cao (đỉnh điểm là gặp gỡ giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở San Francisco tháng 11/2023), tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực cùng có lợi, quản lý bất đồng có kiểm soát, qua đó vừa duy trì áp lực lên Bắc Kinh trong các vấn đề then chốt, vừa tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực có thể như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, bất đồng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ đến địa chính trị.
Trên thực tế, mô hình “Chimerica” – thuật ngữ do sử gia Niall Ferguson đặt ra để chỉ mối quan hệ cộng sinh kinh tế Mỹ – Trung, dường như đang dần tan rã trên thực tế. Thay vào đó là một hình thái quan hệ mới với đặc điểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh, trong đó yếu tố cạnh tranh ngày càng nổi trội.
Nhân sự mới, sóng gió mới
Tổng thống tái đắc cử Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Bộ trưởng Ngoại giao và Hạ nghị sỹ Mike Waltz làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Cả hai đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Ông Trump cũng dự kiến đưa trở lại cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, người có quan điểm rắn với Trung Quốc. Với những nhân sự nổi tiếng cứng rắn với Bắc Kinh như trên, quan hệ Mỹ – Trung trong nhiệm kỳ Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ đối mặt với hai loại thách thức mới chủ yếu như sau:
Một là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế 60% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ siết lại việc xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, nhất là chip bán dẫn nhằm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, bản thân cựu Tổng thống cũng đã nói rất thẳng rằng “Trung Quốc đã lấy đi 31% ngành sản xuất ôtô của chúng ta” – điều đó cho thấy Mỹ sẽ tăng cường bảo hộ ngành sản xuất trong nước, kèm theo những biện pháp trả đũa khó lường từ phía Bắc Kinh. Bên cạnh đó, giữa hai nước cũng còn tồn tại nhiều bất đồng về trợ giá công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ.
Hai là những bất ổn mới về an ninh khu vực. Mỹ có thể sẽ tăng cường ủng hộ Đài Loan, bao gồm việc mở rộng hợp tác quân sự và tăng cường các hoạt động tuần tra ở eo biển Đài Loan.
Tại Biển Đông, Mỹ có thể sẽ thực hiện nhiều hơn các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) và tăng cường hiện diện quân sự. Không chỉ vậy, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và mở rộng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc sang cả các khu vực khác như châu Phi, châu Mỹ La-tinh.
Sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi
Mặc dù căng thẳng gia tăng, thực tế cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khá sâu rộng trên nhiều phương diện.
Về thương mại và đầu tư: Số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 690 tỷ USD trong năm 2023.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại có thể khiến thu nhập quốc dân GDP của cả hai nước giảm từ 1-2%.
Về đầu tư, dữ liệu từ Rhodium Group cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp tích lũy giữa hai nước đạt xấp xỉ 240 tỷ USD vào cuối năm 2023, trong đó có nhiều dự án quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và sản xuất tiên tiến.
Về chuỗi cung ứng và công nghệ: Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Theo báo cáo của McKinsey, khoảng 80% linh kiện điện tử, 70% thiết bị y tế và 60% nguyên liệu dược phẩm toàn cầu có nguồn gốc hoặc đi qua Trung Quốc. Điều này tạo ra thách thức lớn cho nỗ lực “tách rời Trung Quốc của Mỹ”.
Trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI, cả hai nước đều đang dẫn đầu toàn cầu với những ưu thế riêng. Mỹ vượt trội về nghiên cứu cơ bản và phát triển phần mềm, trong khi Trung Quốc mạnh về ứng dụng thực tế và dữ liệu lớn. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực này khiến chủ trương tách rời hoàn toàn Trung Quốc của Mỹ là điều khó khả thi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tương lai quan hệ Mỹ – Trung
Quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Trump 2.0 dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng buộc cả hai bên phải duy trì một mức độ hợp tác nhất định. Tuy nhiên, diễn biến trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết là sự chuẩn bị của phía Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc càng chuẩn bị tốt thì Mỹ càng phải thận trọng và các biện pháp kiềm chế càng phải chọn lọc hơn. Trên thực tế, Trung Quốc đã có những chuẩn bị khá toàn diện ở 3 điểm đáng chú ý như sau:
Một là triển khai chiến lược “Tuần hoàn kép” nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và công nghệ nước ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc đã giảm từ 36% năm 2006 xuống còn khoảng 20% năm 2023.
Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, với ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2023 đạt 372 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP.
Hai là tập trung vào việc phát triển năng lực nội địa, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, AI và công nghệ lượng tử. Theo báo cáo của CSIS, số lượng bằng sáng chế AI của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, vượt qua Mỹ về số lượng.
Ba là tích cực đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; nâng cấp quan hệ với Nga lên “đối tác chiến lược toàn diện”, trong khi hợp tác với các nước BRICS và Tổ chức Thượng Hải được tăng cường, mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.
Tiếp theo, việc chính quyền Trump 2.0 “quyết đấu” Trung Quốc mạnh đến đâu cũng còn phụ thuộc vào một số yếu tố.
Thứ nhất là các yếu tố nội bộ bên trong nước Mỹ. Theo khảo sát của Pew Research Center năm 2023, 82% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, mức cao nhất trong lịch sử.
Đồng thời, các nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ cũng đang thúc đẩy nhiều dự luật nhằm siết chặt kiểm soát đầu tư và chuyển giao công nghệ với Trung Quốc. Việc đảng Cộng hòa giành lại được quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội cũng có thể tác động đến việc Tổng thống Trump trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai các chủ trương, chính sách đối với Trung Quốc của mình.
Thứ hai là khả năng hai nước kiểm soát các điểm nóng địa chính trị, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Theo đánh giá của các chuyên gia từ Viện Brookings, khả năng duy trì ổn định trong vấn đề này sẽ là chìa khóa quyết định mức độ căng thẳng tổng thể trong quan hệ song phương Mỹ – Trung.
Thứ ba là hiệu quả của các kênh đối thoại cấp cao Mỹ-Trung đã có lâu nay. Kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho thấy việc duy trì các cơ chế đối thoại thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột và quản lý bất đồng.
Thứ tư là ảnh hưởng của các nước thứ ba. Lập trường của EU và các nước đồng minh phương Tây của Mỹ trong các vấn đề như kiểm soát xuất khẩu công nghệ hay chuỗi cung ứng sẽ có tác động lớn đến hiệu quả của các biện pháp kinh tế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine nói chung và sự hợp tác Nga – Trung cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ Mỹ – Trung.
Tóm lại, quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Trump 2.0 được dự đoán tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng buộc cả hai bên phải duy trì một mức độ hợp tác nhất định. Với tính cách và khả năng đàm phán đặc biệt của “doanh nhân Trump”, không loại trừ khả năng Mỹ – Trung sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Tuy nhiên, đây vẫn là mối quan hệ đầy mâu thuẫn và phức tạp nhất thế giới, bởi ở đó không chỉ có các yếu tố thuần túy kinh tế-thương mại, mà đằng sau đó còn là cuộc cạnh tranh âm ỉ nhưng quyết liệt để giành vị thế số một toàn cầu với những tác động sâu rộng đến cục diện thế giới và quan hệ quốc tế.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/du-doan-chinh-sach-trung-quoc-cua-my-thoi-trump-20-20241124205245278.htm