Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, về mặt quản lý nhà nước, Bộ quản lý toàn bộ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, theo dõi, hỗ trợ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Với sân bay Long Thành đang triển khai, dự án thành phần 3 (dự án thành phần chính) là các hạng mục mà ACV quản lý, hiện nay đã thi công hoàn tất được nhiều hạng mục như rà phá bom mìn, tường rào ranh giới giai đoạn 1 đối với toàn bộ diện tích mặt bằng được giao. Công tác san nền đang gấp rút triển khai để bảo đảm có mặt bằng thi công cho toàn bộ các hạng mục theo kế hoạch, hiện nay triển khai được 66%.
Đối với các hạng mục còn lại, ACV đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công triển khai theo kế hoạch. Đối với hạng mục móng cọc nhà ga hành khách, đã hoàn thành (1.545 cọc). Ngoài ra, ACV đang khẩn trương lựa chọn nhà thầu thi công nhà ga hành khách lần 2 sau khi đấu thầu lần 1 không lựa chọn được nhà thầu thi công để sớm khởi công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về các giải pháp, trước hết thẩm quyền mời thầu là của ACV, Bộ GTVT phối hợp Tổng công ty kêu gọi các nhà thầu xây dựng trong lĩnh vực sân bay của các nước trên thế giới tham gia vào các dự án này. Bộ cũng trao đổi với ACV để đưa ra các giải pháp rút ngắn tiến độ; phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
Về việc lùi thời gian bàn giao của ACV sang năm 2026, khó khăn nhất là đấu thầu vì đây là một quá trình cạnh tranh. Hiện nay, Bộ giao cho ACV rà soát lại toàn bộ và báo cáo về cơ sở thực tiễn, pháp lý, căn cứ vào kết quả đấu thầu, đàm phán thương thảo với nhà thầu trên nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Liên quan vấn đề tiến độ sân bay Long Thành, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nêu rõ, đối với sân bay này, hạng mục nhà ga khá phức tạp, đòi hỏi tích hợp khá nhiều hệ thống. ACV có đấu thầu, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá. Đấu thầu lần 1 chỉ có 1 nhà thầu, mà nhà thầu này cũng không đạt. ACV đấu thầu lần 2 và đang triển khai. ACV cũng phối hợp, kêu gọi các nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng sân bay tham gia dự án này.
ACV đang triển khai 2 giải pháp chính; phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV thực hiện đồng bộ; về trách nhiệm, xác định cụ thể, trên nguyên tắc chức năng, nhiệm vụ của ai thì người đó chịu trách nhiệm.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh nêu rõ, về giải pháp đẩy nhanh tiến độ, Ủy ban hoàn toàn đồng ý với Bộ Giao thông vận tải. Đầu tiên là phải tổ chức thành công lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng nhà ga. Ủy ban đã triển khai hỗ trợ ACV thực hiện để quyết định sớm trong việc mời thầu; trách nhiệm vấn đề này hoàn toàn của ACV.
Về quan điểm với việc ACV xin lùi tiến độ, Ủy ban hoàn toàn thống nhất với các bộ, ban, ngành và đặc biệt với Bộ Giao thông vận tải. ACV chủ động rà soát, trên cơ sở tham vấn các chuyên gia, nhà tư vấn trong và ngoài nước, khẩn trương hoàn thành báo cáo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện có thể thiếu các giải pháp áp dụng, tiến độ triển khai… thậm chí khi lựa chọn được nhà thầu rồi, có thể sẽ hoàn thành sớm trong thời gian được giao, không cần phải gia hạn thêm.
Khẩn trương, tích cực điều tra các vụ án điểm
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đều được Bộ Công an tiến hành điều tra tích cực, khẩn trương và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.
Riêng vụ Việt Á, như đã thông tin trong các cuộc họp báo trước, Bộ Công an dự kiến kết luận điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, do tính phức tạp của vụ án, có quá nhiều vụ án đang phải tiến hành đồng thời nên Bộ Công an đã đề xuất với Ban Chỉ đạo gia hạn điều tra và sẽ phấn đấu có kết luận điều tra vụ án trong quý II/2023.
Vụ án liên quan đến tập đoàn Mường Thanh do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội tiến hành và theo báo cáo của Công an Hà Nội, ngày 05/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng. Khi đó, nhiều người tưởng chưa khởi tố nhưng thực tế đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn và vẫn cho tại ngoại với ông Lê Thanh Thản.
Đến ngày 06/8/2019 và ngày 21/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án, trong đó khởi tố thêm 6 cá nhân khác về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các cá nhân này gồm: Ông Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); ông Nguyễn Duy Uyển, ông Bùi Văn Bằng (cùng là nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); ông Mai Quang Bài (cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng); ông Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông, phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng) và ông Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông).
Đây là vụ án phức tạp, phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ 2019 đến nay và đến ngày 14/4/2023 thì Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành cáo trạng đối với 7 bị can trên và dự kiến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử trong tháng 6 tới.
Nỗ lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt. Chính sách hạ lãi suất cho doanh nghiệp là một trong 8 chính sách Ngân hàng Nhà nước triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023.
Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá. Đấy là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất đã được triển khai tích cực.
Hai là, tạo dư địa của lượng tín dụng năm nay, dự kiến là 14,5%, cho việc khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng.
Ba là, luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Bốn là, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay. Tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay.
Năm là, gói 12.000 tỷ cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Sáu là, giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm.
Bảy là, chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp
Tám là chính sách giảm lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, trong 8 giải pháp đó, giải pháp giảm lãi suất được Ngân hàng Nhà nước tính đến là giảm lãi suất điều hành. Trong thời gian rất ngắn, đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế nên quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
Về con số tổng quan, một là giảm lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế khoảng từ 1-1,2% lãi suất huy động, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%. Đây là mức tính trung bình cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới, những khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất của chúng ta khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, kỳ vọng giảm lãi suất với doanh nghiệp thì quan điểm của chúng tôi vẫn là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Chính vì thế, điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Đặc biệt, vừa qua, tại hội nghị ngày 25/4 để triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, chúng tôi đặt ra vấn đề với các ngân hàng còn cho vay cao. Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất. Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung, đã được xem xét đánh giá.
Thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.
Theo nhandan.vn