Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024-2025.
Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024-2025.
Năm nay, WHO đưa ra chủ đề là “Giáo dục, Vận động, Hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Phát biểu tại chương trình Mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc hôm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. WHO đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. |
Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện.
Theo thống kê, 1/4 bệnh nhân điều trị nội trú được thống kê sử dụng kháng sinh không hợp lý. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Báo cáo Hệ thống giám sát sử dụng và kháng thuốc toàn cầu (GLASS) năm 2022 cho thấy tỷ lệ kháng thuốc đáng báo động trong số các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn phổ biến.
Tỷ lệ trung bình được báo cáo ở 76 quốc gia là 42% vi khuẩn E. coli kháng cephalosporin thế hệ thứ ba và 35% đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin là mối quan tâm chính.
Đối với các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli gây ra, cứ 5 trường hợp thì có 1 trường hợp giảm khả năng nhạy cảm với các loại kháng sinh tiêu chuẩn như ampicillin, co-trimoxazole và fluoroquinolone vào năm 2020. Điều này khiến việc điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó khăn hơn.
Mức độ kháng thuốc tăng cao có khả năng dẫn đến việc sử dụng nhiều hơn các loại thuốc cuối cùng như carbapenem. Khi hiệu quả của các loại thuốc cuối cùng này bị suy giảm, nguy cơ nhiễm trùng không thể điều trị được sẽ tăng lên.
Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh cuối cùng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, so với mức năm 2005, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các biện pháp quản lý thuốc kháng sinh mạnh mẽ và phạm vi giám sát được tăng cường trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, năm 2023, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025 với 4 mục tiêu quan trọng.
Để đạt được các mục tiêu này, ngành Y tế và chính quyền địa phương cần huy động, hỗ trợ tài chính và nguồn lực để triển khai kế hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, cung cấp các tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ áp dụng cho các cơ sở y tế.
Đại diện Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tham gia Mít tinh. |
Ngoài ra, sự phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp, môi trường và các cơ quan liên quan, là yếu tố then chốt bảo đảm kế hoạch, chiến lược quốc gia được thực hiện thành công.
“Khi tất cả các ban ngành và cộng đồng cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể kiểm soát kháng thuốc hiệu quả, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về phía tổ chức quốc tế, bà Erin Kenny, Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO cho biết, trong ngành Y tế, kháng thuốc đe dọa nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm cho các thủ thuật và điều trị y tế khác như phẫu thuật, sinh mổ và hóa trị liệu ung thư trở nên nguy cơ hơn.
Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống Y tế và nền kinh tế, ví dụ nó làm tăng nhu cầu chăm sóc tích cực và tốn kém hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân hoặc người chăm sóc thông qua thời gian nằm viện kéo dài và gây hại năng suất nông nghiệp.
Tại Lễ mít tinh, TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ ngành Y tế tại tất cả các tỉnh thành triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia và Kế hoạch Hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Nguồn: https://baodautu.vn/khang-thuoc-dang-la-moi-de-doa-suc-khoe-toan-cau-d230686.html