(Tổ Quốc) – Cho dù chợ truyền thống hiện nay đã có những thay đổi so với xưa kia. Bên cạnh đó, vẫn còn những phiên chợ ở ngoai thành đã và đang lưu giữ được nhiều nét văn hoá đẹp. Nhưng trước đòi hỏi phát triển của đô thị hoá, làm thế nào để giữ được chợ phiên cũng là trăn trở của không ít người.
Chợ truyền thống sẽ không biến mất trong đời sống xã hội
Với sự phát triển của mạng xã hội cũng như công nghệ, tiện ích của thời đại số, internet đã tạo ra những chợ khổng lồ, xoá nhoà mọi ranh giới giới hạn không gian đã và đang làm gia tăng số lượng người bán hàng trên mạng. Có những người dù đang làm những công việc khác, khá ổn định nhưng cũng có nhu cầu bán hàng để tăng thu nhập cũng như trải nghiệm thì rất dễ dàng trở thành người bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy vậy dù gia tăng lượng người bán hàng nhưng thực tế ở các chợ truyền thống không tăng, thậm chí còn có phần giảm. Để đầu tư bán hàng trong chợ truyền thống, người bán cần vốn chi trả cho mặt bằng, các mặt hàng, thời gian bán hàng… Còn ở chợ online thì những điều kiện này lại linh hoạt hơn rất nhiều. Người bán chỉ cần có tài khoản trên nền tảng mạng xã hội và chấp nhận những quy định của nền tảng đó. Thậm chí không cần vốn quá lớn cũng như thời gian hiện diện bán hàng. Vậy với những tiện ích không thể phủ nhận này liệu có dẫn đến những lo ngại rằng một ngày nào đó, chợ truyền thống sẽ ngày một thu hẹp và có thể “biến mất” trong đời sống?
Câu trả lời có lẽ là không. Chợ truyền thống dù có thể có những thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại của một đô thị như Hà Nội nhưng chắc chắn sẽ không mất đi. Bởi nhu cầu đời sống và thói quen của người tiêu dùng. Có những mặt hàng lặt vặt, nhỏ lẻ hoặc những mặt hàng quan trọng người tiêu dùng vẫn phải ra chợ mua. Hoặc thói quen cần xác thực mặt hàng bằng cách nhìn, cầm trực tiếp mặt hàng, sản phẩm, sự uy tín thì rõ ràng chợ truyền thống vẫn tỏ rõ những ưu điểm.
Không những vậy, ở Hà Nội, nhiều chợ vừa là nơi để mua bán hàng hoá còn là nơi thu hút khách du lịch, nơi lưu giữ kỷ niệm và để chụp ảnh. Có thể kể đến như chợ Trung thu, chợ hoa tết, chợ phiên… Người đi đến chợ không quá vội vã, lại mặc quần áo đẹp để chụp ảnh, và để ngắm nhìn. Đối với những khu chợ này, khái niệm “đi chợ”, “đến chợ” được mở rộng hơn rất nhiều và không chỉ giới hạn bởi sự mua – bán. Đi chợ không nhất thiết phải mua hàng vật chất mà là cách để làm đầy thêm đời sống tinh thần. Từ đó thêm yêu mến, gắn bó với khu chợ hoặc với cảnh sắc và con người của chợ.
Ở ngoại thành Hà Nội, nhiều phiên chợ cho đến giờ vẫn còn được duy trì và mỗi người lại tìm thấy sự thú vị cũng như nét đẹp của chợ phiên. Anh Quang (50 tuổi, ở Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, nhà anh ở gần chợ phiên như chợ Bỏi, chợ Xa, chợ Dâu… Mặc dù không phải lúc nào đi chợ cũng vì nhà hết đồ hay thiếu đồ cần ra chợ mua bán nhưng anh khá thường xuyên đến các chợ phiên này. Lý do là đi chợ như một thói quen, một cách thư giãn đầu óc. Ra đến chợ anh được ngắm nhìn các mặt hàng bày bán nhiều màu sắc, người người mua bán nhộn nhịp anh cảm thấy vui vẻ. Và chợ phiên cũng rất thú vị, có những mặt hàng muốn mua phải ra chợ phiên mới có mà ở các chợ thường ngày không có. Lại có những mặt hàng tưởng chừng “tuyệt chủng” rồi bỗng một ngày đi chợ phiên lại bất ngờ nhìn thấy. Lúc đấy vừa vui, vừa như gặp lại kỷ niệm xa xưa khiến anh khá bồi hồi.
Mong chợ phiên luôn được duy trì
Còn chị Hương (40 tuổi, ở Gia Lâm) lại chia sẻ rằng đi chợ phiên thường sẽ mua nhiều và giá rẻ hơn so với chợ dân sinh thường ngày. Bên cạnh đó đến chợ phiên chị còn nhớ lại tuổi thơ của mình được theo mẹ đi bán hàng. Nếu bán hết hàng thế nào cũng được mẹ mua quà bánh cho. Nhất là mỗi dịp gần tết, được theo mẹ đi chợ mua nhiều đồ sắm tết và một vài món đồ chơi hay cái bánh cái kẹo rẻ tiền nhưng nó là niềm vui theo suốt tuổi thơ của chị. Đến bây giờ dù con chị có cuộc sống đầy đủ hơn chị năm xưa nhưng mỗi dịp gần tết chị vẫn cho con đi chợ để chúng thấy được cái không khí chợ phiên ngày tết cũng như mua một vài món đồ mà chỉ chợ phiên mới có. Và dù xưa hay nay thì được mua quà ở chợ phiên trẻ con vẫn cứ vui thích và háo hức. Chị cũng muốn những hình ảnh đẹp này sẽ trở thành ký ức ý nghĩa cho con sau này.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng về sự mai một của văn hoá chợ. Nhất là ở những huyện ngoại thành Hà Nội đang có tốc độ đô thị hoá cao và trong tương lai trở thành các quận. Nhiều công trình được mọc lên sẽ làm giảm đáng kể diện tích nuôi trồng cũng như không gian chợ. Người dân không còn đất trồng cây và chăn nuôi thì sẽ thiếu đi những mặt hàng dân dã ở chợ phiên. Chưa kể, đô thị hoá sẽ khiến họ đi tìm việc khác làm, bận rộn hơn khiến chợ phiên không còn là buổi chợ được ưu tiên. Và có thể nhiều khu chợ truyền thống, chợ phiên được quy hoạch lại thành trung tâm thương mại hoặc thay đổi cách thức hoạt động. Các chợ phiên ở ngoại thành sẽ có nguy cơ mai một, thu hẹp và thậm chí biến mất. Mặc dù mỗi người đều mong muốn quê hương ngày một phát triển, kinh tế ngày một đi lên, các mặt hàng của đời sống ngày một phong phú đa dạng đáp ứng được các nhu cầu con người, chợ online ngày một phát triển, các sàn thương mại càng ngày càng mở rộng nhưng chợ phiên sẽ có nguy cơ bị thu hẹp hoặc biến mất. Đây là câu chuyện giống như cổng làng, đường gạch nghiêng sống trâu đã không còn khi đô thị hoá ập tới. Vì vậy bài toán vừa đô thị hoá vừa giữ được những nét đẹp của chợ phiên cũng là câu chuyện không ít người còn trăn trở.
Thực sự tôi cũng có những lo lắng nếu một ngày đô thị hoá và không còn những chợ phiên là chia sẻ của anh Quang nếu tương lai chợ phiên ở ngoại thành cũng giống như chợ phiên ở nội thành trước kia.
Nếu chợ phiên chỉ còn là ký ức thì thật tiếc – chị Hương bùi ngùi cho biết. Nhưng chị cũng hi vọng: Tôi mong lãnh đạo cùng người dân địa phương sẽ tìm được giải pháp hợp lý để giữ lại chợ phiên nếu một ngày đô thị hoá diễn ra.
Nguồn: https://toquoc.vn/nguoi-ha-noi-va-van-hoa-cho-bai-3-de-cho-la-noi-luu-giu-ky-uc-va-hinh-anh-dep-20241124102226727.htm