Không chỉ các cơ quan chức năng phải vào cuộc, các doanh nghiệp cũng dần cảm thấy nguy cơ từ sự xuất hiện của những sàn thương mại điện tử (TMĐT). Bởi câu chuyện cạnh tranh và nhất là cạnh tranh ở môi trường thương mại điện tử rất khốc liệt và rõ ràng TMĐT xuyên biên giới là xu hướng chung của thế giới mà Việt Nam không thể cấm hoàn toàn các sàn TMĐT.
Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân, giữ vững thị trường trong nước. Nếu không có sự thay đổi, cải tiến, doanh nghiệp sẽ thua trong cuộc đua “chinh phục” người tiêu dùng.
ThS Tạ Trần Phương Nhung – Giảng viên Khoa kinh tế, Đại học Đông Đô cho rằng, câu chuyện bán hàng không phải chỉ có cạnh tranh về giá. Giá chỉ là một trong những yếu tố để tạo nên sự cạnh tranh. Nhưng rõ ràng, ở trên môi trường TMĐT nói riêng hay môi trường kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ nói chung thì yếu tố cạnh tranh về giá rất quan trọng. “Doanh nghiệp cũng cần phải xác định, nếu sản phẩm của họ không thực sự có một lợi thế cạnh tranh hay điểm khác biệt nào, mà chỉ có thể cạnh tranh bằng giá. Thì việc mở rộng quy mô sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm để giảm được giá cũng sẽ là câu chuyện mà họ phải giải quyết. Còn nếu sản phẩm của doanh nghiệp tốt, chất lượng, đặc trưng thì sẽ luôn có hướng đi riêng, lúc đó, sản phẩm sẽ không bị cạnh tranh, áp đặt về giá nữa”, bà Nhung nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến này, bà Lương Thanh Thúy – nhà sáng lập CTCP Công nghệ thực phẩm Lương Gia, thương hiệu Ohla chuyên xuất khẩu hoa quả sấy dẻo – cho biết, công ty lựa chọn nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không tập trung vào cạnh tranh về giá. Bằng cách tạo ra những sản phẩm riêng biệt, khác biệt, chất lượng cao, công ty mong muốn tạo ra một thị trường “ngách” riêng biệt cho sản phẩm, gây ấn tượng với người tiêu dùng.
Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp nên có sự cải tiến về công nghệ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao chất lượng, giảm giá thành và thu hút người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, đặc biệt là cần duy trì chất lượng cao, đồng đều để “ghi dấu ấn” trong lòng đối tác. Doanh nghiệp cũng cần có sự liên kết, chia sẻ với nhau, để cùng nhau lớn mạnh, bởi chỉ có đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hình thành các chuỗi cung ứng trong nước để chống chọi với các khó khăn từ bên ngoài.
Về phía nhà vận hành sàn TMĐT trong nước, bà Phạm Thanh Huyền – chuyên gia tư vấn chiến lược & tiếp thị liên kết, đồng thời là đối tác kinh doanh của sàn TMĐT Droppii – cho rằng, các sàn TMĐT nên có những định hướng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, đi kèm với dịch vụ tư vấn bán hàng và chính sách hậu mãi tốt, từ đó mới thu hút, giữ chân được khách hàng. Cụ thể hơn, các sàn cũng cần chú trọng đến khâu kiểm định hàng hóa, đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa đầu vào và chú trọng nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng. Từ đó, tạo dựng uy tín và gây dựng được nhóm đối tác, nhà cung cấp và tệp khách hàng lâu dài.
Nguồn: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-cung-can-hanh-dong-de-giu-vung-thi-truong-10295111.html