Gần 200 quốc gia hôm nay 24.11 đã phê duyệt một thỏa thuận tài chính về khí hậu, nhưng có một số nước không hài lòng về số tiền các nước phát triển cam kết đóng góp.
Sau hai tuần mặc cả và nhiều đêm mất ngủ, các đại biểu của gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở thủ đô Baku của Azerbaijan mới thông qua được hiệp ước tài chính vào đầu ngày 24.11.
Theo hiệp ước mới, các quốc gia phát triển sẽ chi ít nhất 300 tỉ USD/năm trước năm 2035 để giúp các quốc gia phát triển xanh hóa nền kinh tế của họ và chuẩn bị cho những thảm họa tồi tệ hơn. Con số này tăng từ con số 100 tỉ USD theo cam kết hiện tại nhưng bị các quốc gia đang phát triển chỉ trích là quá thấp vì họ đã yêu cầu nhiều hơn thế, theo AFP.
“Số tiền được đề xuất huy động là quá ít. Đó là một khoản tiền nhỏ… Theo chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt”, đại biểu Ấn Độ Leena Nandan nhấn mạnh.
“COP này là một thảm họa đối với thế giới đang phát triển. Đây là sự phản bội của các quốc gia giàu tuyên bố xem xét vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc đối với cả con người lẫn hành tinh. Không có thời gian để ăn mừng chiến thắng”, ông Mohamed Adow, giám đốc người Kenya của nhóm chuyên gia tư vấn Power Shift Africa, bình luận.
Một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển kêu gọi ít nhất 500 tỉ USD từ các chính phủ giàu có để xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải nhà kính.
Trưởng đoàn khí hậu của Liên Hiệp Quốc Simon Stiell thừa nhận thỏa thuận mới là không hoàn hảo.”Không quốc gia nào đạt được mọi thứ họ muốn và chúng ta rời Baku với một núi công việc vẫn phải làm. Vì vậy, đây không phải là lúc để ăn mừng chiến thắng”, ông Stiell nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn các nền kinh tế mới nổi giàu có như Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới, đóng góp nhiều hơn. Thỏa thuận cuối cùng “khuyến khích” các nước đang phát triển đóng góp trên cơ sở tự nguyện, phản ánh không có thay đổi nào đối với Trung Quốc, quốc gia đã tự cung cấp tài chính cho khí hậu theo các điều khoản của mình, theo AFP.
Những quốc gia giàu có cho hay sẽ không thực tế về mặt chính trị nếu kỳ vọng nhiều hơn vào nguồn tài trợ trực tiếp của chính phủ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, vốn hoài nghi về biến đổi khí hậu và viện trợ nước ngoài, sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025, và một số quốc gia phương Tây khác đã chứng kiến phản ứng dữ dội của phe cánh hữu đối với chương trình nghị sự xanh.
Thỏa thuận mới nói trên đặt ra mục tiêu chung lớn hơn là 1.300 tỉ USD/năm để ứng phó với nhiệt độ tăng cao và các thảm họa, nhưng phần lớn sẽ đến từ các nguồn tư nhân.
Trước khi đạt được thỏa thuận như trên, các quốc gia đã phải vật lộn để hòa giải những chia rẽ lâu nay về số tiền mà những quốc gia giàu có chịu trách nhiệm nhiều nhất về biến đổi khí hậu nên cung cấp cho các quốc gia nghèo ít chịu trách nhiệm nhất nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng nóng lên nhanh chóng của trái đất.
Có lúc các cuộc đàm phán dường như ở bên bờ vực sụp đổ, khi đại diện từ các quốc gia đang phát triển bỏ ra khỏi cuộc họp và đe dọa sẽ bỏ đi nếu các quốc gia giàu không chi thêm tiền.
Nguồn: https://thanhnien.vn/so-tien-cam-ket-ve-khi-hau-tang-them-200-ti-usd-nhung-con-qua-it-185241124072818661.htm