Nêu vấn đề giá tiền Bitcoin tăng phi mã, có giá trị cao trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề tại sao nước ta không đưa tiền Bitcoin vào quản lý trong khi thực tế vẫn có giao dịch Bitcoin?
Công nghệ số là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì phương thức quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi.
Thủ tướng dẫn ví dụ Luật Công nghệ thông tin ngày trước chưa có chuyển đổi số, trí tuệ AI như hiện nay. Sau này có điện toán đám mây, internet vạn vật… và thay đổi rất nhanh. Hội nghị quốc tế mới đây nêu rất nhiều vấn đề phải tập trung vào quản lý và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo. Trong đó tiếp tục cho trí tuệ nhân tạo phát triển nhưng phải quản lý được.
Theo Thủ tướng, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết bởi chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong phát triển của giai đoạn mới và phải có luật để quản lý.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ phải bỏ tư duy ngại ngần khi vừa làm luật xong lại phải sửa.
“Bởi lúc bấy giờ mình nghĩ được có thế, mình phải chấp nhận. Hôm qua mình nghĩ thế nhưng nay thấy khác rồi thì mạnh dạn sửa, đơn giản thế thôi”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Chỉ rõ trí tuệ nhân tạo đã rất khác, Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện nay đời thực như nào thì đời ảo như thế. Thủ tướng đặt vấn đề tiền Bitcoin giá trị trên thế giới gần 3.000 tỉ USD và trên thực tế nước ta vẫn có giao dịch Bitcoin nhưng tại sao không đưa vào quản lý?
Hay dẫn chuyện trợ lý ảo, Thủ tướng cho hay: “Trợ lý ảo có khi còn thông minh hơn trợ lý thật của mình”.
“Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”
Để phát triển công nghệ số, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần có ưu đãi, nhất là với lĩnh vực chip bán dẫn. Bởi muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu phải đi bằng công nghệ mới và làm mới động lực tăng trưởng truyền thống.
Nêu một số ưu đãi, Thủ tướng chỉ ra cần ưu tiên về đất đai, lệ phí, nước sạch, điện, công trình và nhất là tiền mặt… Sản xuất chip bán dẫn không thể thiếu điện, nếu không sẽ đứt gãy và hỏng luôn sản phẩm đang làm.
Dẫn chứng cần ưu đãi bằng tiền, Thủ tướng cho biết nếu không có tiền mặt, tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ đi, giống như Intel hủy kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam.
“Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô để họ mang công nghệ vào, nếu mình bỏ ra 20% tiền thì họ bỏ tới 80%. Trong khi họ sẽ xây dựng nhà máy, công trường ở đây, không mang đi đâu được. Nếu mình tiếc 20% thì sẽ mất 80%”, Thủ tướng Chính phủ nói và đề nghị các chính sách ưu đãi phải phù hợp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu họ có tiền mà mình không có ưu đãi thì họ sẽ sang chỗ khác. Trong khi đó nước ta có ưu thế về mặt địa lý thì cần có ưu đãi đủ sức thuyết phục.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải tính toán để hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro với các đối tác; lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.
Về thử nghiệm có kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ cho biết nghe thì rất đúng, rất hay nhưng nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế.
Theo Thủ tướng, kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng, hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng.
Theo ông, nên thử nghiệm một năm mà tốt thì nhân rộng, ngược lại nếu thử nghiệm không tốt thì thu hẹp, dừng lại.
Một khi thí điểm mở rộng không gian sáng tạo thì phải mở phạm vi và đối tượng thuộc ngành công nghệ số. Nếu không mở thì vẫn có vòng kim cô, hạn chế không gian sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc và còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định để mở rộng không gian sáng tạo, quản lý cho tốt.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-gia-tien-bitcoin-tang-phi-ma-tai-sao-ta-khong-dua-vao-quan-ly-19224112314090506.htm