Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ những quan điểm về hạnh phúc trong giáo dục, để giúp học sinh thấy nhà trường thực sự là nhà, là ‘điểm chạm hạnh phúc’, không phải là ‘nhà máy học tập’.
Hôm nay 23.11, tại Hệ thống trường TH Scool đã diễn ra hội thảo quốc tế chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục”. Hội thảo có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, chia sẻ cách tạo nên môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh, trong đó nhấn mạnh đến việc đào tạo thế hệ giáo viên kiến tạo những tiết học hạnh phúc, không biến trường học thành “nhà máy học tập”.
“Điểm chạm hạnh phúc”
Ở phiên khai mạc, TS Ngô Tuyết Mai, ĐH Flinders (Úc), chia sẻ kỷ niệm thời hoa niên, mỗi khi ở trường về khoe với bố là hôm nay vui lắm. Hóa ra niềm vui không phải đến từ những nội dung các môn học, mà từ những giờ ra chơi.
“Ở Việt Nam chúng ta hay nói “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để thực sự làm được điều đó thì các thầy cô phải làm thế nào để học sinh khi ngồi học trong lớp học cũng thấy vui như thể đang được chơi”, TS Mai chia sẻ.
Dẫn lời triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle, “giáo dục trí óc mà không giáo dục trái tim thì không phải là giáo dục”, TS Mai cho rằng nếu chỉ tập trung vào trí óc, điểm số, vô tình sẽ tạo nên áp lực cho học sinh, thầy cô và tất cả những người liên quan đến giáo dục.
Tại Úc, trước khi vào bài học, giáo viên rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Vì thế, thầy cô hay thực hiện hoạt động “check in cảm xúc”. Thay vì ngay lập tức nói về bài giảng, giáo viên thường ưu tiên cho học sinh mô tả cảm xúc của mình trong ngày hôm ấy. “Mỗi khi lên lớp, tôi thường xuyên tự hỏi, hôm nay mình sẽ gửi điều gì vào ngân hàng cảm xúc của người học?”, TS Mai nói.
Còn bà Thái Hương, người sáng lập Hệ thống trường TH School, thì bày tỏ quan điểm của mình về khái niệm “nhà trường”: “Không phải ngẫu nhiên “nhà” luôn gắn với “trường”, bởi một môi trường học đường hạnh phúc sẽ luôn khơi gợi niềm yêu thích, cảm giác thân thuộc và sự gắn kết bền chặt – nơi mỗi thành viên như “người một nhà”. Điều tôi muốn nhấn mạnh là hãy xây dựng trường học trở thành “một điểm chạm hạnh phúc”, nơi kết nối tinh hoa tri thức, văn hóa truyền thống và tầm nhìn tương lai; định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu”.
Cãi vã là một phần quan trọng của việc học cách cộng tác
Các diễn giả quốc tế khác cũng cung cấp những góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp hạnh phúc và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình trong giáo dục toàn diện, học tập cá nhân hóa và xây dựng môi trường học tập vui vẻ.
Ông Martin Skelton, cố vấn sáng lập của TH School, một nhà giáo dục nổi tiếng, đồng tác giả của chương trình Giáo dục Tiểu học quốc tế IPC, đã chia sẻ những suy ngẫm về hành trình của ông tại TH School. Những bài học mà ông Martin, với tư cách là một nhà giáo, đúc kết được như: việc học của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp trong đội ngũ giáo viên; trải nghiệm lặp lại và tình trạng quá tải về nhận thức đều có vai trò quan trọng trong việc học, trong đó trải nghiệm lặp lại tạo ra các tác động tích cực và quá tải nhận thức tạo ra các tác động tiêu cực trong quá trình tiếp nhận kiến thức…
Teacher Tom (Thomas Hobson), chuyên gia giáo dục mầm non và blogger về giáo dục nổi tiếng thế giới đến từ Mỹ nói về cách thức mà trò chơi của trẻ nhỏ giúp xây dựng các thói quen và nguyên tắc của cộng đồng trong lớp học mầm non. Theo đó, chương trình học do trẻ tự dẫn dắt (giáo dục dựa trên trò chơi) giúp nuôi dưỡng sự tò mò, động lực tự thân, cộng đồng, sự đồng cảm và mục đích. Giáo dục nên tập trung vào sự tò mò, niềm vui và cộng đồng, và lớp học như một cộng đồng quan trọng hơn lớp học như một “nhà máy học tập”.
Thầy Tom cũng chia sẻ những quan sát thú vị của mình về giáo dục, chẳng hạn như thực ra trẻ em không cần đồ chơi, mà các em cần cơ hội để tương tác với thế giới thực. Hoặc trong giáo dục cho trẻ em, cãi vã là một phần quan trọng của việc học cách cộng tác với người khác, việc chấp nhận rủi ro là cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và cảm xúc xã hội lành mạnh. Hoặc cách mà trò chơi dạy trẻ về sự kết nối giữa thất bại, kiên trì và thành công. Nhà giáo dục phải là người biết chấp nhận việc “đôi khi cần lộn xộn” trong trò chơi cũng như trong học tập…
Còn GS Yong Zhao, ĐH Kansas, Mỹ thì quan niệm “hạnh phúc và sự an lành đích thực đến từ việc làm những công việc có ý nghĩa thay vì chỉ học cách để trở nên hạnh phúc”. Theo đó, điều mà giáo dục cần làm là thu hút học sinh tham gia vào các công việc ý nghĩa và quan trọng, cũng như cách học sinh có thể phát triển tài năng độc đáo và tuyệt vời của mình, và sử dụng những tài năng đó để tạo ra giá trị cho người khác, từ đó đạt được cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-bien-truong-hoc-thanh-nha-may-hoc-tap-185241123171116056.htm