9 năm thử nghiệm, đưa tranh biện thành môn học
Trong quá trình giảng dạy môn ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhà giáo Hoàng Thị Mận nhận thấy rằng: trong mỗi tiết ngữ văn, các thầy cô nỗ lực truyền đạt kiến thức cho học trò còn học trò thì chăm chú lắng nghe, ghi chép nên rất ít khi được tỏ bày ý kiến cá nhân về tác phẩm. Khi làm quản lý, có nhiều cơ hội được dự giờ, cô Mận càng cảm nhận rõ hơn việc giáo viên ngữ văn nói rất nhiều; trong khi thực tế, mỗi văn bản văn học có nhiều hàm nghĩa và để hiểu được nội dung tác phẩm, người học phải có góc nhìn đa chiều. Từ thực tế đó, ý tưởng đưa bộ môn tranh biện vào chương trình học để hỗ trợ, nâng cao chất lượng dạy và học môn ngữ văn bắt đầu nhen nhóm trong cô.
Nhà giáo Hoàng Thị Mận chụp hình lưu niệm với thành viên Hội đồng xét duyệt và bên đồng nghiệp.
Theo cô Hoàng Thị Mận, tranh biện chẳng những phù hợp đặc thù môn ngữ văn, mà còn phù hợp với xu thế học và thi ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mục đích của tranh biện để học sinh biết cách bày tỏ ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó dưới nhiều góc nhìn đa chiều; từ đó các em bổ sung cho nhau về vốn sống, hiểu biết, cách lập luận… Tuy vậy, tranh biện mới phổ biến tại nước ngoài còn ở Việt Nam, mọi người chỉ biết đến tranh biện ở một số sân chơi, cuộc thi.
Ý tưởng của nhà giáo Hoàng Thị Mận được Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo đánh giá cao.
Với mong muốn củng cố và phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh ở 2 môn học tiếng Anh và ngữ văn, cô Hoàng Thị Mận cùng Ban giám hiệu Trường Newton đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, từ đó mạnh dạn quyết định từng bước đưa tranh biện trở thành một môn học chính thức, là tiết thực hành sâu các kỹ năng ngôn ngữ, nhất là kỹ năng nói cho học sinh.
Để thực hiện điều đó là hành trình 9 năm liên tục với từng thang bậc khác nhau; ban đầu là tổ chức sân chơi tranh biện tiếng Anh cho học sinh; thành lập CLB Tranh biện; xây dựng phiên bản cuộc thi tranh biện bằng tiếng Việt áp dụng cho cả giáo viên và học sinh; thực hiện chuyên đề tranh biện; áp dụng thí điểm môn tranh biện với 15 lớp và chính thức trở thành môn học từ năm học 2023 – 2024.
Giàu sức lan tỏa
Để triển khai trên quy mô rộng, Trường Newton đã xây dựng được một hệ thống các chủ đề tranh biện có tính xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 12 bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đề tài tranh biện giao cho tổ bộ môn đề xuất; sau đó hội đồng trường thẩm định, chỉnh sửa kỹ lưỡng, phê duyệt bằng chữ ký điện tử và đưa vào kho dữ liệu dùng chung của cả trường. Tiếp đó là tập huấn kỹ năng dạy học tranh biện cho giáo viên và tập huấn về luật tranh biện cho học sinh thông qua việc học nhập môn tranh biện. Tất cả chủ đề tranh biện được công khai cho học sinh, cung cấp các kênh tư liệu để các em có thể tham khảo trước mỗi một trận tranh biện.
Các thầy cô giáo Trường THCS – THPT Newton hứng khởi tham gia cuộc thi tranh biện.
Theo cô Hoàng Thị Mận, sau thời gian ngắn triển khai tranh biện, hiệu quả và chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, ngữ văn tại Trường Newton đã được nâng lên. Học sinh thay vì phải nghe nhiều thì giờ đây, trong 1 tiết tranh biện, các em được nói đến 80%, thực sự là trung tâm của tiết học. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, có 90 – 95% học sinh có chứng chỉ IELTS đạt chuẩn, điểm trung bình môn ngữ văn tăng 0,7 điểm so với năm liền kề trước đó.
Chia sẻ về quyết định tiên phong và có phần táo bạo với môn học tranh biện tại Trường Newton, cô Hoàng Thị Mận cho rằng: “Nếu tổ chức tranh biện trong khuôn khổ một cuộc thi, 1 năm tổ chức 1 lần thì sẽ chỉ là sân chơi của những học sinh xuất sắc, có năng khiếu và sở thích về tranh biện để đi thi đấu. Như vậy sẽ không thể cá nhân hóa và phủ được đến tất cả học sinh. Ngược lại, khi tranh biện được triển khai rộng đến các lớp, cả học sinh hoạt ngôn và những em chưa có khả năng tư duy phản biện tốt cũng có cơ hội tham gia tranh luận, chia sẻ để dần bộc lộ, phát huy khả năng và tiến bộ so với chính mình”.
Quá trình đưa tranh biện thành môn học, cô Hoàng Thị Mận cũng nhận thức rất rõ hạn chế của hoạt động này, đó là chỉ có 2 phe là Ủng hộ và Phản đối; trong khi có những vấn đề trong xã hội không thể tuyệt đối hóa là phản đối hoàn toàn hay ủng hộ hoàn toàn mà phải kết hợp, tổng hòa giữa hai luồng quan điểm. Khi đó, vai trò dẫn dắt của giáo viên là vô cùng quan trọng, giúp định hướng cho học sinh quan điểm, cách nhìn toàn diện về một vấn đề.
Là thành viên Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao ý tưởng sáng tạo và tâm huyết của Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Newton Hoàng Thị Mận.
TS Nguyễn Ngọc Ân nhận định: “Tranh biện hay nói cách khác là tranh luận ủng hộ – phản đối là một kỹ thuật dạy học hay nhưng khó. Kỹ thuật này rèn cho cho học sinh cách lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính xây dựng. Tôi tin tưởng rằng, với cách thức Hiệu trưởng Hoàng Thị Mận và Trường Newton đang làm sẽ mang lại hiệu quả tốt và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn”.
“Sự quyết liệt và sáng tạo của cô Hoàng Thị Mận đã góp phần quan trọng vào các thành tích của nhà trường. Nhiều năm qua, học sinh Trường THCS – THPT Newton luôn dẫn đầu quận Bắc Từ Liêm, cụm Nam – Bắc Từ Liêm và trong tốp đầu của thành phố tại các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi tuyển sinh vào 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong vai trò Hiệu trưởng nhà trường, cô Hoàng Thị Mận đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, giúp giáo viên không ngừng sáng tạo, đạt được những thành tích vượt trội tại các cuộc thi giáo viên giỏi cũng như các phong trào thi đua của ngành…”, Nhà giáo Tâm huyết sáng tạo Lê Thị Bích Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Trường liên cấp Newton.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hieu-truong-ha-noi-chia-se-hanh-trinh-dua-tranh-bien-thanh-mon-hoc-chinh-thuc.html