UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng không gian mạng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, số tiền bị chiếm đoạt lớn, gây hoang mang trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: tài chính, đầu tư, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông… còn sơ hở, thiếu sót, để đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.
Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được qua hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chủ động xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả trong tình hình mới.
Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước mọi thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong nhân dân.
Đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương thức tiếp cận đến từng đối tượng tuyên truyền nhằm truyền tải có hiệu quả thông điệp về phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát huy tích cực môi trường mạng internet, mạng xã hội để vừa tuyên truyền, vừa tiếp nhận, vừa phát hiện những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, băng nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phối hợp các ngành có liên quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân; lợi dụng lỗ hổng bảo mật của hệ thống quản trị để thu thập, khai thác thông tin cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tập trung điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, phối hợp tổ chức xét xử lưu động một số vụ án điểm liên quan đến loại tội phạm này để phòng ngừa, răn đe. Thường xuyên trao đổi, tăng cường công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này…
Đối với Sở Tư pháp, UBND tỉnh yêu cầu phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông để có cơ sở pháp lý trong giải quyết các vụ án, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và đề nghị xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, quán triệt công chứng viên tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và thực hiện đúng thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là với nhóm nguy cơ trở thành nạn nhân bị lừa đảo.
Tăng cường quản lý đối với hoạt động cấp “sim” điện thoại, loại bỏ “sim rác”; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp trong cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật.
Thúc đẩy việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, bảo đảm thông tin thuê bao chính xác. Đồng thời nghiên cứu và áp dụng các quy định về điều kiện hạ tầng cung cấp dịch vụ mạng internet bảo đảm việc cung cấp thông tin xác định các địa chỉ thuê bao internet bằng dữ liệu ghi nhận, lưu trữ phục vụ công tác truy nguyên.
Tiếp tục tăng cường kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn truy cập cũng như cảnh báo các website có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động chiếm đoạt tài sản.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh yêu cầu phải chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán nâng cao hiệu quả phối hợp để phát hiện sớm các dấu hiệu tội phạm; đồng thời cung cấp nhanh thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra các cấp.
Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đa dạng các hình thức, cách thức tiếp cận người dân. Nghiên cứu sửa đổi quy trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán để không xảy ra tình trạng tồn tại các tài khoản không chính chủ, để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đơn giản hoá thủ tục về phong toả tài khoản để ngăn chặn kịp thời việc đối tượng phạm tội chuyển tiền từ tài khoản ban đầu đến các tài khoản khác bằng internet banking. Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền “ảo” trái quy định của pháp luật. Chủ động cảnh báo với các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống ngân hàng và chủ động phối hợp cơ quan Công an xác minh kịp thời.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; phối hợp cơ quan điều tra các cấp đấu tranh, xử lý với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, tổ chức chính trị – xã hội của Ban Chỉ đạo 138 các cấp phối hợp phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo hướng gắn kết chặt chẽ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, mô hình điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Đức Tiến