Qua những bài hát truyền thống được phối lại, nhiều bạn học sinh đã được truyền cảm hứng để bày tỏ lòng yêu nước mạnh mẽ qua tiết mục trên sân trường.
Trong những năm gần đây, các ca khúc truyền thống Việt Nam đang dần được khoác lên mình “tấm áo mới” nhờ những bản phối hiện đại, giàu sáng tạo. Những bài hát tưởng chừng đã gắn liền với ký ức của thế hệ trước, giờ đây trở nên sống động hơn bao giờ hết khi được làm mới bằng những giai điệu, tiết tấu gần gũi với khán giả trẻ. Không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, các phiên bản làm lại này còn tạo nên cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp văn hóa Việt Nam tiếp tục vang xa và lan tỏa giá trị trong đời sống đương đại.
Trong năm nay, một số tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, gây ấn tượng bởi sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật truyền thống và cách thể hiện hiện đại. Đáng chú ý là màn múa rồng đầy công phu của một nam sinh Trường THPT Tiên Du 1, Bắc Ninh. Trên nền nhạc Một vòng Việt Nam do ca sĩ Tùng Dương thể hiện, từng động tác múa điêu luyện đã tái hiện hình ảnh chú rồng uy nghi vươn mình trên đất trời Việt. Chỉ sau vài ngày đăng tải, đoạn clip đã thu hút hơn 11 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, tạo nên làn sóng tự hào và cảm xúc mãnh liệt trong lòng người xem.
Tiết mục múa rồng của nam sinh Trường THPT Tiên Du 1, Bắc Ninh. Ảnh chụp màn hình |
Không dừng lại ở đó, tiết mục của các học sinh lớp 9A1 Trường THCS Hoàn Sơn, Bắc Ninh cũng gây ấn tượng mạnh với màn trình diễn đậm chất dân tộc. Kết hợp các ca khúc nổi tiếng như Bài ca đất phương Nam, Linh thiêng Việt Nam và Một vòng Việt Nam, cùng với trang phục dân gian và vũ đạo đầy sáng tạo, tiết mục này không chỉ là sự tri ân ý nghĩa mà còn lan tỏa tinh thần yêu nước đến đông đảo khán giả. Bài đăng về tiết mục này đã nhận được hơn 100.000 lượt thích và 5.000 lượt chia sẻ, cho thấy sức hút mạnh mẽ của nghệ thuật học đường khi được đầu tư bài bản.
Một tiết mục khác cũng không kém phần nổi bật là màn trình diễn Chiếc khăn Piêu của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Khánh Hòa. Với hơn 36.000 lượt thích, màn biểu diễn này không chỉ làm sống lại ca khúc quen thuộc mà còn được khán giả đánh giá cao nhờ sự kết hợp với bản phối hiện đại từ chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Một bình luận dưới bài đăng nhận xét rằng, nếu không có những bản phối sáng tạo như vậy, việc khơi gợi sự hào hứng từ giới trẻ cho các ca khúc truyền thống sẽ trở nên khó khăn hơn.
Hiện tượng các tiết mục văn nghệ “viral” trên mạng xã hội cho thấy một xu hướng đáng mừng: Những ca khúc truyền thống khi được làm mới đúng cách không chỉ giữ vững giá trị cốt lõi mà còn trở nên hấp dẫn hơn với thế hệ trẻ. Điển hình như các bản phối từ chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, với những ca khúc như Trống cơm, Mẹ yêu con, Áo mùa đông hay Trở về. Sự kết hợp giữa yếu tố dân gian và hiện đại không chỉ làm mới giai điệu mà còn thổi hồn sống động vào từng bài hát, khiến khán giả cảm nhận rõ nét hơn vẻ đẹp văn hóa Việt.
Tiết mục Trống cơm trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: Tuổi trẻ |
NSND Tự Long, một trong những “anh tài” của chương trình từng nhấn mạnh: “Văn hoá là bản chất, là cội nguồn, là dân tộc. Câu chuyện văn hóa mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống, để những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn, tiếp cận hơn và thêm yêu vốn cổ của dân tộc”. Chính từ sự thấu hiểu sâu sắc ấy, những giá trị truyền thống đã được tái hiện một cách đầy sức hút, góp phần đưa âm nhạc cổ truyền đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.
Các tiết mục văn nghệ trên sân trường không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Khi những ca khúc về quê hương, đất nước được làm mới và thể hiện qua các màn trình diễn sáng tạo, chúng không chỉ truyền tải thông điệp yêu nước mà còn khơi gợi niềm tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần học tập và cống hiến ở thế hệ trẻ.
Từ những tiết mục gây tiếng vang trên mạng xã hội, chúng ta có thể thấy rõ rằng âm nhạc truyền thống luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người Việt, bất kể thời gian hay khoảng cách thế hệ. Điều quan trọng là cách chúng ta làm mới và đưa chúng trở lại trong bối cảnh hiện đại, để không chỉ duy trì mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Nhìn về tương lai, việc làm mới các ca khúc xưa không chỉ là phương thức bảo tồn di sản mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ. Qua những tiết mục văn nghệ, học sinh không chỉ được học về lịch sử, văn hóa mà còn hiểu thêm về trách nhiệm đối với đất nước. Đây chính là bài học quý giá, để lòng yêu nước không chỉ ở trong tim mỗi người mà còn trở thành hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.
Nguồn: https://congthuong.vn/long-yeu-nuoc-chay-ruc-tren-san-truong-hieu-ung-tich-cuc-tu-anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-360434.html