Bộ Công Thương chú trọng xây dựng chương trình đào tạo cán bộ, công chức, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác lớn, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Các FTA này bao gồm những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, với cam kết không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn mở rộng sang các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, đòi hỏi tiêu chuẩn cao và sự hiểu biết sâu sắc từ đội ngũ nhân lực.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn cán bộ, công chức, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Phương – Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương – Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. |
Nguồn nhân lực được đánh giá là một trong các rào cản, hạn chế tác động đến hiệu quả tận dụng FTA của các doanh nghiệp và địa phương. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Trong thời gian qua, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã theo dõi sát sao việc thực thi các FTA ở cả cấp Trung ương, địa phương, cũng như trong các hiệp hội và doanh nghiệp. Theo báo cáo chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ năm 2022, những nỗ lực đáng ghi nhận đã được thực hiện bởi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực. Đặc biệt, các hoạt động đào tạo được tăng cường để gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả thực thi FTA.
Tuy nhiên, công tác xây dựng nguồn nhân lực phục vụ FTA vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng phần lớn chưa bố trí được nguồn nhân lực chuyên trách về FTA. Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp chưa chú trọng, hoặc gặp khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cam kết trong FTA không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực truyền thống mà còn bao hàm nhiều nội dung phi truyền thống như lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, hải quan. Điều này dẫn đến việc nhân sự tại các doanh nghiệp chưa hiểu rõ và khó tận dụng tối ưu các cam kết.
Một khó khăn khác nằm ở việc doanh nghiệp có thể có nhân lực quan tâm đến FTA nhưng lại khó tìm được các chương trình đào tạo phù hợp. Ngay cả khi tiếp cận được thông tin về các chương trình đào tạo từ Trung ương hoặc địa phương, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc cử nhân sự chuyên trách tham gia, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức chưa thực sự hiệu quả.
Về phía các cơ quan quản lý, tại địa phương, nhân lực phần lớn là kiêm nhiệm, đảm nhận nhiều công việc khác như quản lý thương mại hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Do đó, họ khó dành thời gian để chuyên tâm trau dồi kiến thức về FTA nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, số lượng cán bộ chuyên trách từ Trung ương xuống địa phương còn hạn chế. Chẳng hạn, đơn vị chúng tôi hiện có chưa đến 10 nhân sự chuyên trách về FTA, nhưng phải hỗ trợ công tác tại 63 tỉnh, thành và nhiều hiệp hội ngành hàng, dẫn đến áp lực rất lớn.
Ngoài ra, nguồn ngân sách dành cho đào tạo nhân lực FTA dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đủ để xây dựng một đề án quy mô lớn và toàn diện.
Trước những khó khăn này, trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực về FTA, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả thực thi.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội để thực hiện chỉ đạo này, từng bước tháo gỡ các khó khăn và nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ cho việc thực thi hiệu quả các FTA.
Diễn giả trao đổi tại một khoá đào tạo về FTA cho cán bộ, viên chức quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Ảnh: Huyền Trang |
Việc lựa chọn người đào tạo, bồi dưỡng sẽ thực hiện như thế nào, thưa bà? Bà có thể chia sẻ thêm về kết quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do chính Vụ tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị tổ chức?
Trong giai đoạn 2023-2024, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương triển khai chương trình đào tạo chuyên gia FTA cơ bản và chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể. Điểm nổi bật của chương trình là các tiêu chí tuyển chọn giảng viên hết sức khắt khe, tập trung vào 3 yếu tố: Kiến thức chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng giảng dạy.
Đội ngũ giảng viên không chỉ cần hiểu biết tổng quan về FTA mà còn phải nắm vững chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể mà họ phụ trách, chẳng hạn như thương mại hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư. Bên cạnh đó, kinh nghiệm giảng dạy là yếu tố không thể thiếu nhằm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả trong việc truyền đạt nội dung.
Nội dung chương trình được thiết kế linh hoạt để phù hợp với từng đối tượng học viên đến từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi lớp học được điều chỉnh theo đặc điểm của từng nhóm học viên, từng địa phương, ngành nghề cụ thể và có thêm các bài tập tình huống thực tế, giúp học viên nắm vững kiến thức và áp dụng hiệu quả vào công việc quản lý hoặc sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, chương trình còn mời các chuyên gia từng tham gia đoàn đàm phán Chính phủ về FTA, lãnh đạo hiệp hội ngành hàng và đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế, từ đó tăng giá trị ứng dụng của các bài giảng.
Trong năm 2023-2024, chương trình nhận được phản hồi tích cực từ học viên, với hơn 50% người tham gia bày tỏ mong muốn đăng ký tiếp các khóa chuyên sâu trong năm 2025.
Thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, từ đội ngũ giảng viên đến nội dung giảng dạy. Đồng thời, phân loại kỹ lưỡng học viên đầu vào để mỗi khóa học đạt hiệu quả tối ưu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của học viên và doanh nghiệp.
Qua theo dõi, tổng hợp các chương trình, đề án đào tạo bồi dưỡng về nguồn nhân lực thực thi FTA, bà đánh giá còn những khó khăn gì nổi lên cần khắc phục và các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực sẽ như thế nào?
Trong thời gian qua, khi phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương, chúng tôi nhận thấy nhiều khó khăn đáng chú ý.
Trước tiên, việc tuyển chọn chuyên gia đào tạo là một thách thức lớn. Trường Đào tạo và Vụ Chính sách thương mại đa biên đã phối hợp chặt chẽ để mời được các giảng viên hàng đầu trong lĩnh vực FTA. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc giữa giảng viên, trường và Vụ để thống nhất nội dung giảng dạy, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của học viên tại từng tỉnh, thành. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực cao nhằm xây dựng chương trình giảng dạy chi tiết và thiết thực.
Thứ hai là nguồn ngân sách đào tạo còn hạn chế. Dù đã được hỗ trợ kinh phí, nhưng việc phân bổ dựa trên địa điểm và số lượng học viên cụ thể đôi khi không đáp ứng được thực tế. Một số lớp học có số lượng học viên đăng ký vượt dự toán hoặc cần điều chỉnh địa điểm để thuận tiện hơn, nhưng các quy định kinh phí không linh hoạt để đáp ứng điều này.
Thứ ba, từ phía học viên, việc tham gia khóa học cũng gặp nhiều trở ngại. Các cán bộ quản lý thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên khó bố trí thời gian tham gia khóa học kéo dài bốn ngày rưỡi. Đối với doanh nghiệp, việc cử nhân sự tham gia học cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, chúng tôi rất mong lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp quan tâm hơn, tạo điều kiện để nhân sự của họ tham gia đầy đủ và tích cực, nhằm đảm bảo hiệu quả học tập và hỗ trợ thực tiễn khi áp dụng kiến thức vào công việc.
Việc tham gia khóa học chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn, chúng tôi hướng đến mục tiêu kết nối lâu dài giữa học viên, giảng viên, và các cơ quan quản lý, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến triển khai bộ chỉ số FTA Index, nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành về kết quả thực hiện FTA. Bộ chỉ số này sẽ dựa trên đánh giá của doanh nghiệp địa phương, trong đó yếu tố nguồn nhân lực là một phần quan trọng.
Chúng tôi kỳ vọng kết quả xếp hạng sẽ tạo động lực để các địa phương quan tâm hơn đến việc bố trí nguồn lực tham gia các chương trình đào tạo FTA, qua đó nâng cao cả số lượng và chất lượng nhân sự, giải quyết những khó khăn hiện tại. Đây là một bước tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực thực thi FTA trên cả nước.
Được biết, Bộ Công Thương đã bắt đầu triển khai việc thí điểm với một số trường đại học có khối ngành về kinh tế và đặc biệt về thương mại quốc tế để đưa nội dung đào tạo về FTA vào chương trình. Bà có thể nêu rõ hơn về kế hoạch này?
Vụ Chính sách thương mại đa biên cùng với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng và các đơn vị liên quan đang triển khai chương trình đào tạo nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia FTA. Tuy nhiên, chương trình và đề án này mới chỉ giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực ngắn hạn, tức là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp để phục vụ trực tiếp các nhu cầu tận dụng các FTA trong thời gian ngắn.
Mặc dù vậy, để có một đội ngũ nhân lực dài hạn, đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp và chuyên sâu của các cam kết FTA trong 5 hoặc 10 năm tới, chúng tôi kỳ vọng rằng công tác đào tạo sẽ được phát triển từ các trường đại học, cao đẳng thuộc khối kinh tế.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường đại học thuộc khối kinh tế, như Đại học Ngoại thương, cũng như các trường quốc tế như BIV, nhằm đưa ra ý tưởng lồng ghép chương trình đào tạo chuyên gia FTA vào giảng dạy cho sinh viên. Mục tiêu là trong 5 – 10 năm nữa, đội ngũ nhân lực này sẽ có khả năng thực hiện ngay các công việc tại các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
Để đạt được điều này, chúng tôi hy vọng từ năm thứ 2 các bạn sinh viên sẽ có cơ hội học tập gắn liền với công việc thực tế tại các phòng, ban của địa phương, hoặc tại các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn ngay từ khi còn học sẽ giúp các sinh viên sau khi ra trường không gặp phải khoảng cách lớn như hiện nay, khi mà chúng tôi phải mất thời gian đào tạo lại để họ có thể bắt nhịp với công việc thực tế.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://congthuong.vn/dao-tao-boi-duong-nguon-nhan-luc-chia-khoa-vang-de-tan-dung-toi-da-cac-fta-360282.html