Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV hiện đang xem xét những dự luật quan trọng về kinh tế, tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, dư luận hiện đang rất hy vọng vào sự thay đổi này, để từ đó có thể tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn về nội dung trên.
-Thưa ông, hiện nay Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện một số luật liên quan đến đầu tư công, ngân sách, và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đang diễn ra có thể thông qua ngay được. Đây được coi là những đạo luật quan trọng, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Là người đứng đầu một Tổng công ty xây dựng lớn của Bộ Quốc phòng, cá nhân ông hy vọng gì vào những dự luật này?
-Tôi cho rằng đây là những đạo luật rất quan trọng, có ý nghĩa trên nhiều phương diện, nhất là với những doanh nghiệp như Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn). Như chúng ta đều biết, việc sử dụng vốn nhà nước một cách linh hoạt, hợp lý mà vẫn đảm bảo hiệu quả về an toàn và phát triển vốn luôn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc này nói thì dễ mà làm thì khó, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại. Chính vì vậy, các luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nói chung cần hết sức thông thoáng và tháo gỡ tối đa các điểm nghẽn về thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói để từ đó doanh nghiệp có thể phát huy được hết khả năng.
-Theo ông, đâu là những điểm nghẽn cần nhận diện sớm để tháo gỡ ngay?
-Có khá nhiều đấy, nhưng tôi xin ví dụ một vấn đề nổi bật là hiện nay có những nội dung có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý, bình thường thì không sao nhưng khi phát sinh vướng mắc thì xác định cơ quan chịu trách nhiệm trên hết, chịu trách nhiệm cuối cùng lại rất khó. Đây là một bất cập cần được xử lý ngay.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (mặc quân phục ngoài cùng bên phải) tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công trình. |
Một vấn đề nữa là hiện tại còn một số nội dung có sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương. Những tồn tại như vậy nghe qua thì có vẻ không có gì ảnh hưởng nhiều, nhưng những doanh nghiệp như chúng tôi khi có vướng mắc thì sẽ bị tác động trực tiếp đến tiến độ dự án, gây ra sự chờ đợi, lãng phí về thời gian và tài chính không đáng có.
-Ông có thể ví dụ cụ thể?
-Ví dụ việc phân cấp phân quyền giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý các vướng mắc. Tôi xin đơn cử như dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn của Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) đang làm. Trong hồ sơ thiết kế thì có 3 km rừng, nhưng trong quá trình thi công thì phát sinh thêm diện tích rừng. Theo quy định hiện hành thì phần diện tích rừng tăng thêm này muốn giải toả thì phải được Quốc hội thông qua. Chỉ riêng việc này thôi đã làm dự án nghẽn khoảng 2 năm, trong khi nếu để tỉnh Bình Định xử lý thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và không lãng phí cơ hội.
Hoặc như dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua An Giang chúng tôi đang thi công thì cũng vướng về khâu nguyên vật liệu đất đá. Hiện nay Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ cho mua một triệu khối, trong khi trữ lượng ở An Giang là 20 triệu khối. Vì vậy buộc Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) phải tìm nguồn khác, cụ thể là phải mua từ Cần Thơ với giá gấp 3 lần giá ở An Giang. Nói thực là rất bất hợp lý.
Tôi chỉ xin nêu 2 ví dụ như vậy để thấy là có những tồn tại, những hạn chế trong thực tiễn rất cần các cơ quan quản lý nhà nước nhận diện nắm bắt và xử lý rốt ráo. Những vấn đề nào cần đến tầm văn bản quy phạm là luật hoặc các văn bản dưới luật thì chúng ta sửa ở tầm đó, còn những vấn đề nào có thể tháo gỡ ngay thì cũng nên có giải pháp kịp thời. Chỉ có như vậy thì ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hữu hiệu còn đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
-Nhân việc ông đề cập đến những tồn tại còn nằm trong các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, xin được hỏi ông nghĩ sao về việc giữa luật và thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khiến khó vận dụng hài hoà?
-Hiện nay có một thực tế là khi xây dựng thì cơ quan soạn thảo tuy có lấy ý kiến của doanh nghiệp nhưng cá nhân tôi cho rằng việc này cần làm sao cho có hiệu quả hơn nữa. Thực tế thì đây là một khâu rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, bởi lẽ đối tượng bị điều chỉnh chính là các doanh nghiệp, vì vậy sẽ không ai hiểu lĩnh vực này bằng họ. Ý kiến của các doanh nghiệp do đó sẽ rất thiết thực, phản ánh đúng sự vận động của đời sống, vì vậy lắng nghe những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp sẽ chỉ có lợi. Khi ấy nội dung luật sẽ sát với thực tế, quá trình thực thi sẽ không phát sinh những trục trặc mà doanh nghiệp nếu vướng phải sẽ rất mệt mỏi khi tìm cách tháo gỡ. Và quan trọng nhất là luật sẽ có tuổi thọ lâu dài, tránh được việc sau một thời gian thực hiện lại phải tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12. |
Chính vì thế, việc xác định đúng và trúng những điểm nghẽn thể chế để tháo gỡ như Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu là rất cần thiết. Theo tôi thì chúng ta cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong từng lĩnh vực, và mỗi một lĩnh vực thì chỉ có một bộ chịu trách nhiệm thôi. Nếu được như vậy thì thật sự có ý nghĩa vì sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, tiết kiệm được thời gian, và nhất là không bỏ lỡ cơ hội phát triển của đất nước.
Ở đây tôi cũng muốn nói thêm một ý nữa về việc tiếp nhận vốn vay ưu đãi. Là một nước đang phát triển nên Việt Nam rất cần nguồn vốn này. Tuy nhiên khi tiếp nhận thì tôi mong rằng các cấp thẩm quyền nên chăng có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để làm sao đảm bảo quyền lợi của Việt Nam ở mức cao nhất có thể.
-Là người đứng đầu một doanh nghiệp có quy mô lớn, xin ông cho biết đánh giá về năng lực các nhà thầu của Việt Nam hiện nay?
-Nói chung các nhà thầu trong nước có năng lực rất tốt, ví dụ như Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) thì đủ năng lực tham gia vào các dự án lớn của đất nước như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đang triển khai, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hay tới đây là đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nhìn tổng thể tôi cho rằng với các dự án lớn mà để nhà thầu trong nước triển khai thì vừa hiệu quả và vừa tiết kiệm được về tài chính.
Còn với riêng Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) thì nhìn chung kết quả hoạt động rất tích cực. Trong 10 tháng đầu năm 2024 chúng tôi đã đạt chỉ tiêu Bộ Quốc phòng giao. Đó là kết quả nói chung, ngoài ra Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cũng rất nỗ lực tham gia các hoạt động xã hội, ví dụ như tại 3 điểm nóng sau bão số 3 thì riêng với Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), khu tái định cư cho người dân nơi đây sẽ hoàn thành trước ngày 22/12/2024, đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong tương lai, Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) sẽ tiếp tục đầu tư cả về quy mô lẫn chiều sâu vào con người, máy móc và thiết bị để đảm bảo năng lực vượt trội trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng giao cũng như hoạt động trên các lĩnh vực là thế mạnh của doanh nghiệp.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thoidai.com.vn/thieu-tuong-nguyen-huu-ngoc-doanh-nghiep-se-phat-trien-neu-cac-diem-nghen-the-che-duoc-thao-go-207582.html