(Tổ Quốc) – Ngày 22/11, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã khai mạc trưng bày “Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc”.
Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc. Trưng bày với hơn 700 tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ, được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Vĩnh Phúc, các nhà sưu tập tư nhân ở trong và ngoài tỉnh, được trưng bày khoa học, thẩm mỹ, phòng trưng bày giới thiệu những dấu tích đặc trưng tiêu biểu của các nền văn hóa tiền Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc, đỉnh cao là nghệ thuật đúc đồng và những tinh hoa cổ vật qua các thời kỳ, phản ánh trí sáng tạo, óc thẩm mỹ cùng đôi bàn tay tài hoa của người xưa để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Ngô Chí Tuệ – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2.500 đến 2.000 năm cách ngày nay, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Nền văn hóa này là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên thời đại các Vua Hùng nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.
Vĩnh Phúc có hơn 24 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun – hay còn gọi là thời Tiền Đông Sơn được phát hiện, tiêu biểu là các di tích Nghĩa Lập, Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường), Gò Hội (huyện Sông Lô), Đồng Đậu (huyện Yên Lạc)…; có 12 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu là các di tích Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), Gò Cóm, Xuân Lôi (huyện Lập Thạch) Đạo Trù, Minh Quang (huyện Tam Đảo)… với các di vật quý hiếm như trống đồng Đạo Trù, trống đồng Minh Quang, trống chậu Nguyệt Đức…
Những di tích, cùng với số lượng di vật đã phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc văn hóa bản địa từ văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu, – Gò Mun đến Đông Sơn, đồng thời khẳng định trong quá trình chiếm lĩnh, khai phá từ miền núi phía Bắc xuống đồng bằng châu thổ Bắc bộ, người Việt cổ đã dừng chân và định cư lâu dài tại vùng đất Vĩnh Phúc từ 4.000 – 2.000 năm cách ngày nay.
Đây là bước tạo nền cơ bản, tiền đề cho không gian di sản văn hóa Vĩnh Phúc kết tinh, bồi đắp và tỏa sáng trong lòng di sản văn hóa dân tộc, với sự đa dạng, phong phú của gần 1500 di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng, trong đó có 4 di tích, cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt; 62 di tích cấp quốc gia, 465 di tích cấp tỉnh; 1 bảo vật quốc gia, hàng ngàn cổ vật, di vật, hiện vật được kiểm kê, lập hộ chiếu khoa học đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh, các di tích, nhà truyền thống, các nhà sưu tập trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là sự phong phú, đa dạng, muôn hình muôn vẻ của 571 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 6 di sản được ghi danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những hoạt động văn hoá, biểu hiện sinh động việc xã hội hóa công tác văn hóa nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng, là dịp để các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đưa các bộ sưu tập của mình đến với công chúng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã hiến tặng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Bảo tàng tỉnh mở cửa trưng bày phục vụ người dân và du khách tham quan tất cả các ngày trong tuần.
Nguồn: https://toquoc.vn/vinh-phuc-khai-mac-trung-bay-van-hoa-dong-son-va-tinh-hoa-co-vat-20241122173930064.htm