SCMP đưa tin, mạng xã hội Trung Quốc đang bàn tán sôi nổi về vụ việc người đàn ông ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bị đuổi việc vì ngủ gật một tiếng vào buổi trưa sau khi tăng ca đêm hôm trước. Ông kiện công ty và được bồi thường 350.000 nhân dân tệ (1,2 tỷ đồng).
Người đàn ông họ Trương, giữ cấp bậc quản lý tại một công ty hóa chất ở thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô. Ông có thâm niên hơn 20 năm làm việc cho công ty này.
Đầu năm nay, Trương bị sa thải sau khi camera giám sát của công ty ghi lại hình ảnh ông ngủ gật tại bàn làm việc. Được biết, ông tăng ca đến tận nửa đêm hôm trước.
Hai tuần sau vụ việc, phòng nhân sự công ty công bố báo cáo có chữ ký của Trương, nêu rõ ông “bị phát hiện ngủ gật tại nơi làm việc do mệt mỏi”.
Theo bản ghi cuộc trò chuyện được lan truyền trên mạng, nhân viên nhân sự hỏi: “Quản lý Trương, trưa hôm đó ông ngủ bao lâu?”. Ông trả lời: “Khoảng một tiếng”.
Sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn, công ty chính thức gửi thông báo sa thải Trương với lý do “vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty”.
“Quản lý Trương gia nhập công ty năm 2004 và ký hợp đồng lao động không thời hạn. Tuy nhiên, hành vi ngủ gật khi làm việc của ông là vi phạm nghiêm trọng chính sách kỷ luật không khoan nhượng của công ty. Do đó, với sự chấp thuận của công đoàn, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt mọi quan hệ lao động giữa ông Trương và công ty”, thông báo nêu rõ.
Cho rằng việc sa thải là bất công, Trương đệ đơn kiện công ty.
Khi đánh giá vụ án, tòa án thừa nhận rằng mặc dù bên sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng vì vi phạm quy định, nhưng việc chấm dứt đó phải thông qua đánh giá các điều kiện cụ thể, bao gồm mức độ thiệt hại.
“Đây là hành vi vi phạm lần đầu và không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho công ty”, Ju Qi, thẩm phán tại Tòa án nhân dân Thái Hưng giải thích.
Hơn nữa, xét đến 20 năm gắn bó của Trương tại công ty, có thành tích xuất sắc, được thăng chức và tăng lương, việc sa thải ông chỉ vì lỗi vi phạm lần đầu và không gây thiệt hại là “quá nặng và vô lý”.
Cuối cùng, tòa án phán quyết có lợi cho Trương, yêu cầu công ty bồi thường cho ông 350.000 nhân dân tệ.
Vụ kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Một cư dân mạng bình luận: “Ngủ gật trong giờ làm việc thực sự là sai, nhưng hình phạt của công ty quá khắc nghiệt. Nếu những sai lầm nhỏ có thể dẫn đến việc sa thải, thì việc sa thải nhân viên trở nên quá dễ dàng”.
Nguồn: https://vtcnews.vn/bi-duoi-viec-vi-ngu-gat-nguoi-dan-ong-kien-cong-ty-va-duoc-den-1-2-ty-dong-ar909031.html