Xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi không chỉ giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, mà còn tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngành chăn nuôi heo đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, không chỉ là nguồn đảm bảo an ninh lương thực mà còn là nền tảng của sinh kế nông thôn và kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại kinh tế lớn, làm gián đoạn sinh kế và đe dọa nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm. Nhiều chuyên gia có cùng nhận định như vậy tại Hội thảo tổng kết Dự án “An toàn sinh học trong ngành chăn nuôi heo” (Biosecurity in Pig Production – BIG) đã diễn ra tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM ngày 21/11.
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Cục Thú y, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Pháp (CIRAD), cùng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Dự án BIG được xây dựng với mục tiêu tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong ngành chăn nuôi heo tại bốn quốc gia ASEAN, bao gồm Việt Nam. Dự án này được triển khai trong vòng 2 năm với 4 giai đoạn chính.
Tại hội thảo, các kết quả từ giai đoạn 1, 2 và 4 được trình bày chi tiết. Trong đó, giai đoạn 4 được nhấn mạnh là nội dung trọng tâm, với báo cáo chuyên sâu từ tổ chức CIRAD.
Những kết quả này, góp phần quan trọng vào việc định hình chiến lược xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ hướng tới mục tiêu đạt chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) trong lộ trình quốc gia đến năm 2030.
Nhằm hỗ trợ Cục Thú y hướng tới mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, và thế giới, CIRAD đã triển khai một nghiên cứu nhằm khảo sát thực tế, so sánh và làm rõ những khác biệt quan trọng giữa các tiêu chí xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuẩn của Việt Nam và chuẩn của WOAH.
TS. Phạm Thành Long – đại diện Cục Thú y, đã có bài trình bày tại hội thảo về tình hình xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng an toàn dịch bệnh trong ngành chăn nuôi Việt Nam.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt đối phó với dịch tả heo châu Phi. Ảnh: T.Đ
Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng mở rộng và phát triển, việc xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh động vật trở thành yếu tố quan trọng. Điều này không chỉ giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, mà còn tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.
Tại hội thảo, ý kiến của các chuyên gia nhấn mạnh việc củng cố nhận thức về an toàn sinh học, tăng cường hiểu biết của các bên liên quan; bao gồm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế về tầm quan trọng của các biện pháp an toàn sinh học trong ngành chăn nuôi.
Đồng thời, các khuyến nghị sẽ được đề xuất để cải thiện các quy định hiện hành, như Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT nhằm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hội thảo còn tập trung thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các tổ chức quốc tế như: WOAH, FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) và CIRAD với các cơ quan Việt Nam. Qua đó hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh cũng như thực hành an toàn sinh học.
Xa hơn, hội thảo hướng tới mục tiêu xây dựng các cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn, không chỉ để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi heo Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Dự án BIG (Biosecurity in Pig Production) có bốn giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Đánh giá tổng quan về tác động của dịch tả heo châu Phi đến chuỗi giá trị ngành heo và các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa bệnh tại Việt Nam.
Giai đoạn 2: Lập bản đồ và phân tích tương tác các bên liên quan, tập trung vào nhận thức, mức độ chấp nhận và tuân thủ hai quy định chính: Quyết định 972/QĐ-TTg về “Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020-2025” và Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.
Giai đoạn 3: Thực hiện phân tích SWOT nhằm đánh giá định tính thực tế triển khai Quyết định 972/QĐ-TTg.
Giai đoạn 4: Khảo sát thực tiễn tại địa phương về việc xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc gia và của Tổ chức Thú y Thế giới.
Nguồn: https://danviet.vn/xay-dung-vung-an-toan-dich-benh-dong-vai-tro-quan-trong-trong-nen-kinh-te-nong-nghiep-viet-nam-20241122125648752.htm