Đồng chí Ma Thị Thúy đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm rõ tiến độ, kết quả thực hiện bước đầu trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 về: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới …
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, đây là những vấn đề liên quan đến nhiều nội dung thành phần của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 do đó cần phải có sự phối hợp, kết nối liên ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương, đồng thời phải được tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực thực hiện xuyên suốt trong cả giai đoạn.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Về Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giao UBND cấp tỉnh căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, quy định việc áp dụng cụ thể đối với các nhóm xã để phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của người dân từng xã, đặc điểm văn hoá của từng dân tộc…
Tuy nhiên, cũng cần phải có sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành liên quan để có đánh giá thực tế và đảm bảo đúng quy định và đạt mục tiêu đề ra. Đồng chí đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ nguyên nhân chậm hướng dẫn triển khai một số nội dung để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện; nguyên nhân một số địa phương chưa thực hiện huy động được nguồn vốn tín dụng và việc giải ngân nguồn vốn cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Về kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới trên phạm vi cả nước, đại biểu Ma Thi Thúy cho rằng còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền (đồng bằng sông Hồng 100%, Đông Nam Bộ 92,6% miền núi phía Bắc 47,5%, Tây Nguyên 57,8%); còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%; 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn chưa có xã nông thôn mới. Với trách nhiệm cơ quan chủ trì chương trình, Bộ cần có các giải pháp về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để tham mưu với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ về nội dung này.
Về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình và các bộ, ngành liên quan nói chung còn ít, nhất là việc kiểm tra, giám sát chuyên đề, hiện nay mới chủ yếu lồng ghép với các đoàn công tác; việc khảo sát, thẩm định đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; chưa tổng hợp, thống kê được số cuộc kiểm tra, giám sát đã thực hiện ở các địa phương…
Để thực hiện tốt việc này, thời gian tới Bộ cần tăng cường công tác này theo chức năng, thẩm quyền, đồng thời có sự đôn đốc các địa phương thực hiện để phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình. Đây cũng là một kênh quan trọng để phát hiện, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện qua đó đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục.