Những điểm cộng của Tokyo

Hàng loạt thông tin hấp dẫn mời gọi doanh nghiệp Việt sang mở công ty và thiết lập hoạt động kinh doanh vừa được chia sẻ tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư Tokyo”, do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo (Nhật Bản) tổ chức tại Hà Nội ngày 20/11.

Ông Yuji Ikeda, Công ty Deloitte Tohmatsu Venture Support, cho biết, Tokyo là thành phố có GDP cao thứ 4 thế giới (khoảng 600 nghìn tỷ yên), đứng đầu bảng xếp hạng dân số đô thị toàn cầu và thứ ba trong bảng xếp hạng các thành phố toàn cầu, được xem là một trong những đô thị kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong số 41 công ty Nhật Bản thuộc danh sách FORTUNE Global 500, có 29 công ty đặt trụ sở tại Tokyo.

76% các công ty nước ngoài có trụ sở tại Tokyo, chứng tỏ thành phố này là trung tâm đầu tư của Nhật Bản dành cho các công ty nước ngoài. Trong đó, các công ty châu Âu chiếm số lượng lớn nhất (42,6%), các công ty Đông Nam Á vẫn khá ít.

Tokyo xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch phát triển các dự án khởi nghiệp trong 5 năm, với gói đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ yên nhằm mục tiêu tạo ra 100 công ty “kỳ lân” và 100 nghìn công ty start-up.

 

Hội thảo vừa được Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo (Nhật Bản) tổ chức tại Hà Nội nhằm mời gọi doanh nghiệp Việt “Nhật tiến”. Ảnh: Bình Minh

Một loạt công ty lớn nước ngoài, nổi bật là các công ty bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo) đang mở nhà máy và cơ sở tại Nhật Bản. Điển hình như OpenAI, công ty nghiên cứu AI của Mỹ, đã mở văn phòng tại Tokyo, là cơ sở thứ tư trên thế giới và đầu tiên tại châu Á.

Qua khảo sát các công ty nước ngoài, những điểm hấp dẫn nhất của Tokyo gồm: Mức thu nhập cao và lượng khách hàng cho sản phẩm/dịch vụ lớn – quy mô thị trường lớn; Cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng, thông tin và truyền thông… ) được phát triển đầy đủ; Khách hàng nhạy cảm với giá trị gia tăng của sản phẩm/dịch vụ; Tập trung nhiều tập đoàn, công ty toàn cầu; Môi trường sống tốt.

“So với các quốc gia và thành phố lớn trên thế giới, Nhật Bản và Tokyo nhìn chung được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông và kỹ thuật số, tạo nền tảng cho cuộc sống và kinh doanh. Trong Bảng xếp hạng toàn cầu các thành phố thế giới (năm 2023), ở lĩnh vực Giao thông, tiếp cận, Tokyo đứng ở vị trí thứ 8/48 thành phố được khảo sát.

Mặc dù Nhật Bản đứng thứ 87/133 quốc gia trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực tiếng Anh EF, nhưng khả năng tiếng Anh ở Tokyo ở mức trung bình nhờ môi trường tiếng Anh phát triển tốt ở khu vực thành thị”, ông Yuji Ikeda thông tin thêm.

Nhiều trợ giúp để khắc phục rào cản tài chính

Khảo sát cách đây ít lâu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về những yếu tố cản trở việc mở rộng kinh doanh tại Nhật Bản cho thấy, chi phí kinh doanh cao (chi phí nhân công, thuế, thuê văn phòng kinh doanh… ) đang là rào cản lớn nhất. 75,1% doanh nghiệp được hỏi bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Tuy nhiên, bà Marisa Yamamoto, đại diện Deloitte Tohmatsu Venture Support, nhấn mạnh: “Chính quyền Thủ đô Tokyo và nhiều cơ quan khác đang triển khai các kênh hỗ trợ doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường này, bao gồm cả hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp mới thành lập”.

Bà liệt kê một loạt chương trình cụ thể với những khoản hỗ trợ lên tới hàng chục triệu yên.

Với chương trình Trợ cấp Chuyển đổi xanh cho việc gia nhập thị trường Tokyo dành cho các công ty kinh doanh bền vững, bao gồm cả Công nghiệp 4.0, sẽ trợ cấp tối đa 50 triệu yên cho năm đầu tiên và tiếp tục hỗ trợ tối đa trong 4 năm, với điều kiện thành lập cơ sở trước tháng 3/2025.

Danh mục công nghệ chuyển đổi xanh gồm: Ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng (gió, mặt trời, năng lượng địa nhiệt, khí Hydro và Amoniac, năng lượng nhiệt thế hệ tiếp theo); Ngành giao thông vận tải và sản xuất (vật liệu bán dẫn, vận tải biển, điện/khí Hydro; phương tiện giao thông/ắc quy/pin nhiên liệu); Ngành công nghiệp liên quan đến nhà và văn phòng (nhà, tòa nhà, quản lý năng lượng điện thế hệ tiếp theo, liên quan đến lối sống bền vững); Ngành công nghiệp liên quan đến kỹ thuật số và đo lường Carbon.

Với chương trình Phân bổ văn phòng tạm thời cho các công ty tài chính nước ngoài, doanh nghiệp được hỗ trợ cấp phép lưu trú tạm thời, được hỗ trợ chi phí thuê văn phòng tối đa 0,3 triệu yên x 3 tháng hoặc 0,15 triệu yên x 6 tháng, cùng chi phí ban đầu tối đa 0,2 triệu yên để thực hiện nghiên cứu sơ bộ cho hoạt động đầu tư vào thị trường Tokyo.

Cùng với đó, chương trình Hỗ trợ thành lập công ty tài chính nước ngoài sẵn sàng chi trả một nửa chi phí thực tế (tối đa 7,5 triệu yên) chi phí ban đầu cho văn phòng, chi phí tuyển dụng nhân sự, chi phí phát sinh từ việc tư vấn với các chuyên gia… khi thiết lập hoạt động kinh doanh mới tại Tokyo.

Hoặc chương trình Hỗ trợ cơ sở hoạt động cho các công ty tài chính nước ngoài vừa được thành lập tại Tokyo sẽ chi trả 1/2 chi phí thực tế (tối đa 10 triệu yên) về chi phí thuê văn phòng, chi phí thiết bị và đồ dùng, chi phí tư vấn cho các chuyên gia… nhằm hỗ trợ một phần chi phí cần thiết cho việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt muốn thiết lập hoạt động kinh doanh tại Tokyo còn có thể tiếp cận nhiều chương trình, hoạt động thiết thực khác.

Đơn cử, Trung tâm Phát triển kinh doanh Tokyo sẵn sàng cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối kinh doanh và các hoạt động gây quỹ, thậm chí cả thông tin về đời sống sinh hoạt như bệnh viện, trường học…

Trung tâm Thành lập kinh doanh một cửa Tokyo (TOSBEC) hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ thuế… cho những người không có khả năng nói tiếng Nhật.

Hoặc Cơ sở đổi mới Tokyo (TIB) có không gian làm việc chung, để những công ty mới thành lập có thể tổ chức sự kiện miễn phí hàng ngày.

Chỉ cần khoảng 35.000 USD vốn điều lệ, nhưng lưu ý đặc thù văn hóa

Sau gần 8 năm hoạt động tại thị trường Nhật, tháng 4 năm ngoái, NTQ Japan vừa chuyển văn phòng từ Yokohama về Tokyo.

Khác với quan ngại của nhiều người về chi phí đắt đỏ khi thành lập doanh nghiệp tại Nhật, bà Mizuno Gia Cát, đại diện NTQ Japan, chia sẻ thực tế: Điều kiện để một người nước ngoài có thể vào Nhật thành lập công ty với tối thiểu 2 thành viên ban đầu khá dễ dàng. Chỉ cần khoảng 5 triệu yên (30.000-35.000 USD) để làm vốn điều lệ. Khoản thuế ban đầu chỉ đóng khoảng dưới 5.000 USD. Chi phí thuê văn phòng nhỏ khoảng 20-30m2 ở vùng ven cũng khá rẻ.

Bà Mizuno Gia Cát, đại diện NTQ Japan, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Ảnh: Bình Minh

Với nhân viên vận hành, lương trung bình cho người mới ra trường từ 2.000-2.500 USD/tháng. Startup có thể thuê kế toán với mức 200-300 USD/tháng.

“Nhiều người đánh giá chi phí đầu tư ban đầu như thế không phải là cao. Chưa kể, nếu doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, có năng lực thực sự thì còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác. Cứ thành lập pháp nhân tại Nhật Bản thì có quyền nhận hỗ trợ từ chính quyền”, bà nói.

Tuy nhiên, bà Cát cũng lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh rất cao từ các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ… tại thị trường Nhật, muốn các thành viên trụ lại đóng góp lâu dài thì doanh nghiệp phải có chính sách đãi ngộ tốt.

Trước khi quyết định thành lập công ty ở Nhật, doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu cẩn thận về thị trường và những đặc thù văn hóa; đi công tác ngắn hạn để khảo sát thực tế thị trường (có thể qua các cuộc triển lãm) để tạo mạng lưới trong tương lai; chuẩn bị thành viên chủ chốt giỏi tiếng Nhật…

Đặc biệt, “nên xây dựng quan hệ tốt với cộng đồng người Việt tại Nhật (khoảng 600 nghìn người) cũng như với đối tác, cơ quan tại địa phương nơi định đặt văn phòng. Tokyo có 23 quận với những chính sách dành riêng cho doanh nghiệp, nếu có mối quan hệ, khả năng ngôn ngữ tốt để tìm hiểu thủ tục sẽ càng nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn”, bà Cát khuyến nghị.

Ngoài ra, chi phí bất động sản ở Tokyo khá cao nên cần chuẩn bị phương án cho những hoạt động liên quan tới đời sống của nhân viên. Chẳng hạn, ở NTQ Japan có nhiều câu lạc bộ (cầu lông, leo núi, đá bóng… ), hồi còn đặt trụ sở ở Yokohama có thể dễ dàng thuê được sân trong nhà; nhưng khi chuyển về Tokyo, địa điểm hẹp lại khá đắt. 

Ông Yuji Ikeda cũng đưa ra một số điểm lưu ý với doanh nghiệp Việt khi hợp tác kinh doanh với các công ty Nhật.

Đáng chú ý, văn hóa tặng quà hoặc giao tiếp trên bàn tiệc là nét văn hóa đặc thù của Nhật Bản. Qua giao tiếp mềm, doanh nghiệp Nhật sẽ đánh giá xem đối tác có tin tưởng được hay không.

“Quy trình ra quyết định của các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản phải chuyển qua nhiều cấp nên mất thời gian. Hợp đồng, báo giá… phải theo mẫu, quy trình phê duyệt nội bộ phức tạp. Nếu muốn đầu tư vào Nhật Bản, hãy cố gắng giao tiếp tốt để đẩy nhanh tiến trình ra quyết định”, ông Yuji tư vấn./.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-viet-muon-nhat-tien-co-the-duoc-ho-tro-hang-chuc-trieu-yen-2343957.html