Tại buổi công bố quyết định, ông Nguyễn Tất Thành, Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ – Trưởng đoàn thanh tra công bố toàn văn Quyết định số 566/QĐ- TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất có có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, đoàn thanh tra gồm 7 thành viên. Thời kỳ thanh tra từ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đến ngày 31/11/2024 (trường hợp cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên). Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.
Tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thanh tra viên chính, Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ Tổ trưởng giám sát đã công bố Quyết định số 621/QĐ- TTCP về việc thành lập tổ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 566/QĐ- TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng cho biết sẽ thực hiện nghiêm Quyết định số 566/QĐ- TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ và kế hoạch của đoàn thanh tra. Đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh tra trong suốt quá trình thanh tra tại địa phương; phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo đúng yêu cầu của đoàn thanh tra.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Quyết định thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết đây là cuộc thanh tra theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 2611/VPCP-V.I ngày 5/7/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên theo quy định, trước mắt là các vụ việc có nguy cơ hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Mục đích của việc thanh tra là đánh giá trách nhiệm của các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng) và Tổng Công ty Giấy Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực hiện, đồng thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (nếu có).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt đề nghị, đối với các đơn vị được thanh tra cần thực hiện nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ quy định tại Luật thanh tra năm 2022, Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thanh tra; Lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Tổng Công ty Giấy Việt Nam chỉ đạo các đơn vị được thanh tra cử cán bộ đầu mối phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh tra trong việc cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu kịp thời theo yêu cầu để không làm ảnh hưởng tiến độ thanh tra; các báo cáo gửi đoàn thanh tra phải chính xác, trung thực, đảm bảo đầy đủ nội dung.
Đối với đoàn thanh tra thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công việc thường xuyên các đơn vị được thanh tra; có kế hoạch làm việc khoa học cụ thể, thông báo rõ kế hoạch, thời gian làm việc để các đơn vị chủ động phối hợp; nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Thành viên đoàn thanh tra chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ của Trưởng đoàn; đánh giá các nội dung phải chính xác, khách quan, đầy đủ cơ sở pháp lý trước khi kết luận; Trưởng đoàn thanh tra quán triệt tới từng thành viên đoàn thanh tra chấp hành nghiêm các quy định khi tiến hành thanh tra trực tiếp, kỷ luật phát ngôn và bảo mật thông tin.
Nguồn: https://thanhtra.gov.vn/web/guest/rss/-/asset_publisher/9o9NiJxEaxfK/content/id/6595003