Nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 20.933 tấn, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 121,8 triệu USD, tăng 1,8% trị giá so với cùng kỳ. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu 1,17 triệu tấn cà phê với kim ngạch thu về 4,7 tỷ USD, giảm 13,5% về lượng nhưng tăng 38,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá cà phê hôm nay 21/11/2024
Giá cà phê thế giới biến động trái chiều. Đồng USD tăng mạnh đã kìm hãm đà tăng của robusta, nhưng arabica vẫn tăng tốt.
Giá cà phê trong nước hôm nay giao dịch trong khoảng 114.400 – 115.100 đồng/kg. Mức giá cà phê nhân từ dao động quanh 110.000 đồng/kg nhân, đang cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Mức giá hiện tại giúp người dân thu được lãi tốt. Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương (VITIC) xác nhận, nguồn cung từ vụ thu hoạch mới ở Việt Nam chưa được đưa nhiều vào thị trường.
Thị trường đang chịu tác động bởi dự báo mới về sản lượng cà phê của Brazil và biến động tỷ giá. Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu thị trường lao động mới nhất cùng những bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lộ trình lãi suất.
Giá cà phê robusta giảm trở lại do đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần so với đồng USD. Điều này đã thúc đẩy hoạt động chốt lời và thanh lý vị thế mua trên thị trường cà phê kỳ hạn. Đồng Real yếu hơn khuyến khích các nhà sản xuất cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, theo Barchart.
Giá cà phê arabica duy trì đà tăng do thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá lại sản lượng của Brazil, theo đó, con số đánh giá của USDA thấp hơn nhận định trước đó mà thị trường đã tin tưởng. USDA dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2024-2025 đạt 66,4 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo chính thức trước đó là 69,9 triệu tấn. Họ cũng dự báo lượng tồn kho cà phê của Brazil sẽ chỉ còn 1,2 triệu bao vào cuối niên vụ 2024-2025, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê trong nước ngày 21/11 tăng 1.700 – 1.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 21/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 10 USD, giao dịch tại 4.787 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 11 USD giao dịch tại 4.732 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 3,20 Cent, giao dịch tại 295,70 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 2,9 Cent, giao dịch tại 293,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê trong nước ngày 21/11 tăng 1.700 – 1.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Liên quan đến việc tạm hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR), cuộc bỏ phiếu tuần trước của Nghị viện Châu Âu vẫn đang làm gia tăng sự không chắc chắn của các nhà đầu tư trên thị trường cà phê.
Các sửa đổi được đề xuất cần phải được phê duyệt bởi cả ba cơ quan của EU và sẽ được Ủy ban Châu Âu cùng Hội đồng Châu Âu xem xét trong tuần này.
Chỉ sau khi văn bản mới được thông qua và công bố trên Công báo chính thức của EU thì nó mới có hiệu lực.
Hiện có bảy nhóm mặt hàng nằm trong phạm vi kiểm soát của quy định này, bao gồm: dầu cọ, gia súc, cà phê, cao su, gỗ, ca cao và đậu tương. Trong đó, Việt Nam có ba mặt, bao gồm: cà phê, gỗ và cao su. Các mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU sẽ phải tuân thủ EUDR.
Tại Hội thảo ngày 15/11 về vấn đề này, Phái đoàn EU cam kết tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam bằng cách cung cấp các công cụ và thông tin cần thiết để hiểu rõ EUDR, một yếu tố quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và suy thoái rừng. EU sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thứ ba và các đối tác khác; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đối thoại và hợp tác hiện có, tập trung vào tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, và sự hòa nhập của các hộ sản xuất nhỏ, cùng nhiều yếu tố quan trọng khác.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù, lùi thời gian áp dụng EUDR, nhưng Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó củng cố vị thế về nhà cung cấp nông sản trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-22112024-gia-ca-phe-robusta-quay-dau-xuat-khau-nua-dau-thang-11-giam-toi-448-khong-tri-hoan-thich-ung-eudr-294641.html