Ông Điểu Thăng, dân tộc S’tiêng, người có uy tín ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước là nông dân giỏi trồng cao su, trồng điều, chăn nuôi…
Làm giàu nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất
Với vai trò là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, ông Điểu Thăng luôn gương mẫu đi đầu và vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Ông luôn tham gia tích cực các phong trào tại địa phương.
Ở gia đình, ông Điểu Thăng luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, giáo dục con cháu tích cực học tập, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật,…
Ông nói: “Muốn phát triển kinh tế, mình phải tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Mình phải tìm tòi, học hỏi, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào thời tiết, điều kiện tự nhiên hoặc các yếu tố bên ngoài”.
Gia đình ông Thăng có 11 ha đất, trong đó có 5 ha cao su và 6 ha điều. Nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất cây trồng tại vườn nhà ông Thăng luôn đạt cao. Theo ông Thăng, để cây cao su phát triển tốt, mỗi năm ông bón phân từ 2 – 3 đợt, tùy theo sức khỏe của cây.
Ông luôn ưu tiên bón phân hữu cơ để giữ độ phì nhiêu cho đất, cũng như tạo sức bền cho cây. Đồng thời, ông thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây. Nếu phát hiện bệnh thì phải phun thuốc trừ sâu ngay.
Còn đối với cây điều, ông tỉa cành, tạo tán sau mỗi vụ thu hoạch. Mỗi năm, ông bón phân 2 đợt, phun thuốc kích thích khi điều chuẩn bị ra bông, đậu trái,…
Vì vậy, vườn điều, cao su của ông luôn xanh tốt và cho năng suất cao. Vụ điều năm nay, nhiều hộ dân ở Bình Phước mất mùa, nhưng điều của gia đình ông Thăng vẫn cho năng suất 2,5 tấn/ha.
Ông Thăng còn đầu tư chuồng trại, nuôi heo, gà,… lúc rãnh rỗi, thu mua cây cao su, điều, … bán cho các nhà máy chế biến gỗ để tăng thu nhập. Năm 2023, ông thu lãi gần 400 triệu đồng, từ vườn cao su và điều.
Với kinh nghiệm của mình, ông Điểu Thăng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ông Điểu Oanh – hàng xóm ông Thăng ở ấp Thuận Tiến cho biết: “Tôi có 4ha cao su và điều. Những năm đầu, ông Điểu Thăng thường xuyên hướng dẫn tôi kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách điều trị các bệnh như: nấm hồng, thán thư, …
Từ đó, tôi đã nắm được kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất cây trồng luôn đạt cao. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định và mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ gia đình, như: ô tô, tủ lạnh, máy giặt, …”.
Vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Ấp Thuận Tiến hiện có 351 hộ dân, 1.460 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm tới 244 hộ, chiếm gần 70% tổng số hộ dân trong ấp.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Ông Điểu Thăng nhận thức: Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người S’tiêng là rất cần thiết. Nó có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, cũng như đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Với vai trò là người có uy tín, ông Điểu Thăng luôn động viên người dân trong ấp giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc S’tiêng như: dệt thổ cẩm, đan gùi, hoặc lưu giữ bài hát dân ca, điệu múa truyền thống của người S’tiêng. Và động viên họ truyền lại cho thế hệ trẻ.
Vì vậy, ấp Thuận Tiến hiện còn khoảng 30 người biết dệt thổ cẩm, hơn 40 người biết đan gùi, ấp còn thành lập 2 đội cồng chiêng với 10 thành viên, 2 đội văn nghệ với 12 thành viên. Và, nhiều người còn giữ gìn các môn thể thao như: bắn nỏ, đẩy gập, đi cà kheo, … và tham gia “Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số”, do tỉnh, huyện tổ chức và đoạt nhiều giải cao.
Người có uy tín được người dân tin yêu
Những năm gần đây, chi bộ, ban ấp tích cực vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Ông Điểu Thăng đến từng gia đình để gặp gỡ, nắm tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hiến cây, … mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh, không nghe theo kẻ xấu, một lòng theo Đảng, nhà nước.
Bằng uy tín của mình và qua những lời lẽ tuyên truyền khéo léo;có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày. Nhưng ông Thăng đã kết hợp tuyên truyền pháp luật cho đồng bào, vận động người dân tham gia các phong trào, cuộc vận động tại khu dân cư.
Nói về ông Điểu Thăng, ông Hà Xuân Đỉnh – Trưởng ấp Thuận Tiến – cho biết: “Với vai trò của Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Điểu Thăng luôn gương mẫu, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng địa phương và giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Là người có uy tín nên ông luôn có sự tác động và đóng góp rất lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, Thuận Tiến nhiều năm liền đạt ấp văn hóa là có công rất lớn của ông Điểu Thăng”.
Ghi nhận những đóng góp của ông, Trung ương, tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen và giấy khen đã có nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, năm 2023, ông Điểu Thăng được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen, là điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2021-2023.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-nguoi-co-uy-tin-o-binh-phuoc-la-nong-dan-trieu-phu-trong-dieu-nam-nao-cung-trung-20241121161517202.htm