Bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng First Republic Bank ở San Francisco, Mỹ – Ảnh: REUTERS
Tuần trước, First Republic Bank tuyên bố phá sản và được tiếp quản, tái cấu trúc. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ sau Washington Mutual (2008).
Gần 190 ngân hàng Mỹ có thể sụp đổ
First Republic Bank cũng là ngân hàng khu vực thứ ba của Mỹ phá sản kể từ tháng 3. Trước đó, Silicon Valley Bank và Signature Bank đã có những vụ sụp đổ chấn động. Và cuộc khủng hoảng ngân hàng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giữa tuần này, Hãng tin Bloomberg cho biết PacWest Bancorp cũng cân nhắc việc bán lại. Ngân hàng có trụ sở tại San Francisco này xác nhận đang xem xét các “lựa chọn chiến lược”. Bản tin trên khiến cổ phiếu PacWest Bancorp càng lao dốc.
Tờ USA Today dẫn một nghiên cứu cho thấy khoảng 186 ngân hàng đang có nguy cơ phá sản. Mối lo chính nằm ở bảo hiểm tiền gửi, mặc dù hiện chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm đang quyết định sẽ rút tiền.
Gửi tiền không bảo hiểm có nghĩa người gửi chấp nhận mất một phần tiền nếu ngân hàng sụp đổ. Điều này cũng đồng nghĩa họ càng có động cơ rút tiền cao hơn.
Vì sao ngân hàng khu vực Mỹ sụp đổ?
Silicon Valley Bank là ví dụ cho thấy ngân hàng khu vực Mỹ chịu áp lực như thế nào. Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ phá sản này là việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Fed đã phải tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Nhưng động tác này làm sụt giảm giá trị tài sản các ngân hàng đang nắm, ví dụ trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Thông thường, các ngân hàng trả lãi suất cố định và trái phiếu của họ sẽ trở nên hấp dẫn khi lãi suất liên bang thấp. Nhưng ngược lại, khi lãi suất của Fed tăng như hiện nay, nhà đầu tư không còn ưa chuộng mức lãi suất cố định của các ngân hàng nữa. Khi cầu giảm, giá của các trái phiếu này sẽ đi xuống.
“Sự sụt giảm trong giá trị tài sản của ngân hàng gần đây làm gia tăng đáng kể mức độ mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ đối với những người gửi tiền không có bảo hiểm”, các nhà kinh tế viết trong một nghiên cứu của Mạng lưới nghiên cứu khoa học xã hội.
Theo các nhà kinh tế trên, Chính phủ Mỹ cần có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn. Nếu chính phủ không hành động, việc ngân hàng bị rút tiền hàng loạt là kịch bản khó tránh./.
Theo TTO