Tối 19/11, tại xã Thái Sơn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phối hợp UBND huyện Hàm Yên tổ chức Phiên chợ thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Phiên chợ là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024. Đồng thời, thúc đẩy xúc tiến thương mại, nông sản, du lịch và đầu tư; tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất trong tỉnh và cả nước mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, góp phần tìm đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng và OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Trước đó, tối 8/11, tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội), Tuần hàng thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 cũng đã diễn ra. Sự kiện có quy mô trên 100 gian hàng với khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đặc trưng vùng miền, địa phương, sản phẩm OCOP; hàng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tham gia.
Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết: Đây là chuỗi hoạt động hưởng ứng việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 của tỉnh Tuyên Quang. Tuần hàng nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong nước. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội.
Từ ngày 15 đến ngày 25/11, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Vincom Plaza Tuyên Quang tổ chức các gian hàng triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Vincom Plaza Tuyên Quang. Hoạt động này nhằm hưởng ứng chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia năm 2024 và ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Chương trình có quy mô 20 gian hàng bán và giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận. Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng Việt Nam chất lượng cao… trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu có thế mạnh vào các kênh phân phối tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Không chỉ tổ chức các chương trình Hội chợ, Phiên chợ, các Hội nghị xúc tiến thương mại cũng được địa phương đẩy mạnh triển khai trong năm nay, trong đó, phải kể đến Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa tại TP. Đà Nẵng và TP. Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Đây được cho là một trong những giải pháp thiết thực, “chìa khóa” để các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, giảm bớt áp lực đầu ra.
Bà Bàn Thị Liên – Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm – chia sẻ, thông qua Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa tỉnh Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng, đơn vị được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH MTV TMDV Siêu thị Coopmart Đà Nẵng. Đây là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam được nhiều khách hàng tín nhiệm và tin dùng.
Còn theo ông Đỗ Thanh Kim – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) – cho biết, Hội nghị kết nối cung – cầu trong và ngoài tỉnh đã giúp Hợp tác xã được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm với nhiều đối tác, bạn hàng mới ở các tỉnh. Hợp tác xã đã ký kết được nhiều đơn hàng với các siêu thị và các kênh phân phối mới giúp đưa hàng hóa đến nhiều kênh bán lẻ.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy, thông các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thị trường, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; không ngừng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, ký kết được nhiều hợp đồng, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như yêu cầu thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Có thể khẳng định, các hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các địa phương trên cả nước đã trở thành một hoạt động thường niên quan trọng giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm của tỉnh. Đã có những tín hiệu vui khi những mặt hàng mang thương hiệu xứ Tuyên không chỉ dừng lại ở phạm vi trong tỉnh.
Tuy nhiên, để các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng các tỉnh/thành phố cũng như có thể lên kệ các siêu thị, về phía các hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm. Từ đó, xây dựng chiến lược phù hợp, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, hiệu quả.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-dau-ra-cho-cac-san-pham-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-tuyen-quang.html