Lâm nghiệp là ngành duy nhất ở nước ta phát thải ròng âm nên mỗi năm dư ra 40 triệu tấn CO2. Đây là một trong những “kho vàng” trong rừng nên thay vì sợ bán “lúa non”, cần sớm đưa ra cơ chế tín chỉ carbon để thuận tiện trong giao dịch chuyển nhượng.
Đứng thứ 5 thế giới về triển vọng tín chỉ carbon
Tại tọa đàm “Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi EUDR”, sáng 21/11, ông Trần Hiếu Minh – Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước năm 2010 lĩnh vực lâm nghiệp vẫn đang phát thải. Còn từ năm 2010 đến nay, con số giảm phát thải đạt được rất ấn tượng, khoảng 40 triệu tấn CO2/năm.
Trong nỗ lực đó, tiềm năng về tín chỉ carbon là nền tảng để Việt Nam tham gia dịch vụ carbon rừng và đã ký thoả thuận chi trả carbon với Ngân hàng Thế giới.
Ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tính toán, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon (CO2), nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang phát thải âm 40 triệu tấn CO2.
Trường hợp mỗi năm chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60-70 triệu tấn tín chỉ CO2/năm.
Từ Baku, Azerbaijan, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường, chia sẻ: “Tôi đang tham dự Hội nghị COP29. Trọng tâm của hội nghị lần này là huy động tài chính toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia trong việc thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính”.
Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong việc huy động tài chính phục vụ giảm phát thải, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Sau gần 10 năm chuẩn bị, chúng ta đã bán thành công tín chỉ carbon đầu tiên, mang lại 51,5 triệu USD”, ông nhắc lại việc chuyển nhượng tín chỉ carbon cuối năm 2023 và cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ carbon và đang tiếp tục chuẩn bị cho các dự án lớn hơn.
Nhìn nhận về việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam, ông Thọ cho rằng, chúng đang bị chậm do điểm nghẽn lớn nằm ở quy định chính sách và thiếu khung pháp lý rõ ràng. Trong khi nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore đã có thị trường mua bán tín chỉ carbon với sự đầu tư lớn và chính thức.
Ông dẫn chứng, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định về rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng lại chưa làm rõ các cơ chế liên quan đến tín chỉ carbon. Nhà đầu tư muốn tham gia cần biết cơ chế chia sẻ lợi ích, song điều này hiện chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án rừng tự nhiên.
Với rừng trồng không khai thác gỗ, Việt Nam đang có cơ hội lớn tạo lợi ích kép từ tín chỉ carbon. Thực tế, 1ha rừng trồng từ dự án gỗ lớn trong 10 năm đã tạo thêm 120.000 tấn CO2.
Nước ta đang có 2ha rừng trồng gỗ lớn. Theo đó, nếu cơ chế chia sẻ lợi ích không được làm rõ, chúng ta sẽ khó đạt được hiệu quả mong muốn.
Tín chỉ carbon để càng lâu giá càng thấp
Để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả và tiến ra quốc tế, theo ông Nguyễn Đình Thọ, cần có quy trình công nhận rõ ràng. Trước mắt, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa vẫn là hướng đi khả thi hơn. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam đã có kinh nghiệm qua hai chương trình phát triển lâm nghiệp quốc gia, đủ năng lực và đội ngũ để tiếp tục triển khai. Việc giám sát thị trường tín chỉ carbon cần sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước để tránh trùng lặp giao dịch.
Liên quan đến các thỏa thuận tín chỉ carbon mới, ông Trần Hiếu Minh cho hay, 100% tín chỉ sẽ đóng góp vào mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định. Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon.
“Tuy nhiên, nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng này. Bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch”, ông nói. Đáng chú ý, hiện cả đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển nhượng tín chỉ carbon.
Nêu vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon thời gian qua có những lo ngại chúng ta bán “lúa non” với giá quá thấp, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN-PTNT, cho rằng, giá tín chỉ carbon ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dao động từ 5-10 USD/tấn. Quan trọng hơn, khoảng 95% giá trị tín chỉ được giữ lại để giảm phát thải quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thông qua nguồn thu nhập từ giao dịch này.
Ngoài ra, việc triển khai tín chỉ carbon còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, ông đề nghị các bộ ngành cần phối hợp trình Chính phủ, sớm đưa ra quyết định để triển khai cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo ông, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
Những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị đa dạng sinh học mà còn ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là “kho vàng” – nguồn carbon cây rừng hấp thụ. Ông Tuấn nhấn mạnh, đây là nguồn tài chính bền vững để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/co-kho-vang-40-trieu-tan-dung-so-ban-lua-non-2344204.html