Chỉ còn hơn 2 tháng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong khi nguồn lực cần phải giải ngân rất lớn. Giờ là lúc các bộ, ngành, địa phương phải chạy đua với thời gian.
Chỉ còn hơn 2 tháng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong khi nguồn lực cần phải giải ngân rất lớn. Giờ là lúc các bộ, ngành, địa phương phải chạy đua với thời gian.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh |
Chạy đua với thời gian
Vào ngày làm việc cuối cùng của tuần trước, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đại diện của 26 bộ, ngành, địa phương có liên quan đã tham dự cuộc họp này.
Trong các bộ, ngành, địa phương thuộc 2 tổ công tác này, không ít đơn vị có mức giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể, ở Tổ công tác số 4, có 5 bộ và 3 địa phương; còn ở Tổ công tác số 7, có hai tỉnh Kon Tum (42,93%) và Lâm Đồng (38,37%) có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước.
Trước đó 1 ngày, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lần thứ 3 đi khảo sát thực địa tại hai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị – Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn). Yêu cầu được Thủ tướng đưa ra là ngay trong năm 2025, phải hoàn thành hai dự án này, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau…
Trong khi đó, TP.HCM, Đà Nẵng, Hưng Yên… đều đang rốt ráo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong chặng đua nước rút. TP.HCM là một trong những địa phương đáng lo nhất khi vào thời điểm cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 22% vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Với tổng nguồn lực hơn 79.263 tỷ đồng được phân giao trong năm 2024, TP.HCM vẫn còn tới hơn 62.000 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân trong hơn 2 tháng tới. Đây là một con số rất lớn, khiến mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhiều lần khẳng định trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Khá hơn, Đà Nẵng đã giải ngân được 60% kế hoạch được giao tính tới đầu tháng 11/2024, nhưng áp lực cũng không nhỏ. Để đạt mục tiêu giải ngân 95%, lãnh đạo Thành phố vừa tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý dự án đẩy nhanh thi công với các dự án chậm tiến độ so với hợp đồng cam kết. Trong khi đó, lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân…
Như vậy, không chỉ các bộ, ngành, địa phương, mà ngay cả các thành viên Chính phủ cũng đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nỗi lo là không nhỏ, khi mà theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).
Điều đáng nói, vẫn còn tới 33 bộ, ngành và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế quý cuối năm có thể đạt 7,4-7,6%, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 7% như mục tiêu của Chính phủ. Trong chặng đua nước rút hiện nay, không thể chậm chân được nữa!
Bước chuẩn bị từ xa
Cùng vào thời điểm các hoạt động nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương và cao hơn là Chính phủ thực hiện, thì Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Rất nhiều nội dung mang tính đột phá, trong đó có chuyện phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục đầu tư, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư… đã được đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đây chính là một đột phá quan trọng về thể chế. Bởi lẽ đó, khi Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua, dự kiến ngay trong Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, giải ngân vốn đầu tư công được cho là sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, bắt đầu từ năm tới. “Sang năm, khi Luật có hiệu lực, một số vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ sẽ được giải quyết”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Khi khó khăn, tồn tại được giải quyết, khi công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện tốt hơn, giải ngân cũng sẽ tốt hơn. Đây chính là một nhiệm vụ khá nặng nề, bởi lẽ sang năm 2025, số vốn đầu tư công được bố trí không nhỏ, khoảng hơn 790.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, do vậy, nếu không được đẩy nhanh ngay từ đầu năm, áp lực giải ngân là rất lớn.
Nhưng trước khi bàn tới câu chuyện của năm sau, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. Trong đó, có việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm cả về vật liệu xây dựng; thúc đẩy hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc giải ngân đầu tư công; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu…
Phát biểu tại phiên họp với 26 địa phương thuộc Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, chỉ còn 45 ngày nữa là hết năm 2024, để giải ngân đạt 95% vốn như đã cam kết, phải nỗ lực rất lớn, làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát.
Đề cập những sửa đổi quan trọng của Luật Đầu tư công, đặc biệt đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc phân cấp, phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” sẽ tạo sự chủ động, giúp các dự án đầu tư công sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Tuy vậy, kèm với phân cấp, phân quyền, phải giám sát chặt chẽ. “Khi đầu tư, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, làm nhanh, làm mạnh, làm chắc chắn, đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-chay-dua-voi-thoi-gian-d230225.html