Mặc dù một số tuyến đường tại Trà Vinh chỉ rộng 7m, lề 3-4m, khá hẹp nhưng thành phố không mở rộng đường để bảo vệ 14.463 cây xanh, trong đó có khoảng 800 cây cổ thụ trên 100 năm tuổi.
Trà Vinh được mệnh danh là thành phố cây xanh bởi lượng cây bao phủ khá lớn, tập trung ở 7 phường.
Clip “rừng” cây trăm tuổi hai bên đường thành phố Trà Vinh.
Mở rộng thành phố, không mở rộng đường
Trong tổng số 14.463 cây xanh trải dài trên 87 tuyến đường ở thành phố Trà Vinh có khoảng 800 cây cổ thụ trên 100 tuổi thuộc họ sao, me…
Số lượng cây này chưa tính các cây trong công viên, khuôn viên chùa, trụ sở các cơ quan, trường học, nhà dân.
Những hàng cổ thụ không chỉ tạo bóng mát, cảnh quan mà còn góp phần điều hòa không khí cho cả một vùng rộng lớn.
Ông Nguyễn Văn Liêu, Phó chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết, quan điểm của tỉnh và thành phố là hướng đến bảo vệ cây xanh.
Điều này đã tạo nên ý thức không chỉ từ các ban ngành, đơn vị trong tỉnh mà ngay cả người dân cũng xem cây xanh là một phần quan trọng trong đời sống.
“Tỉnh đã xác định cây xanh là tài sản quý giá, phải được gìn giữ, bảo tồn”, Phó chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh chia sẻ.
Do đó, các tuyến đường trung tâm thành phố, nơi có nhiều cây xanh không có kế hoạch mở rộng dù mặt đường rộng 7m, lề đường 3-4m. Việc này nhằm bảo tồn hệ thống cây xanh trên các tuyến đường.
Để đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, địa phương sẽ thực hiện điều tiết giao thông thông minh, linh hoạt.
Ông Cao Tấn Trung, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh cũng đã có chủ trương, chờ bố trí vốn để lắp đặt camera trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố.
Những camera này sẽ góp phần quan trọng để giám sát, điều tiết và phạt nguội phương tiện qua những tuyến đường này.
“Camera không chỉ giám sát, điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự mà còn góp phần theo dõi tình hình của cây xanh hai bên đường”, ông Trung nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên các tuyến đường này, dù mặt đường hẹp nhưng lượng phương tiện tham gia không quá đông đúc.
Tại các ngã tư dù không bố trí đèn tín hiệu nhưng không có tình trạng xung đột giao thông.
Số liệu của Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, thành phố hiện có khoảng 114.400 mô tô và 8.346 ô tô.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tai nạn giao thông ở thành phố Trà Vinh ở mức trung bình.
Ở một số ngã tư, thời gian trước có bố trí đèn tín hiệu nhưng không phát huy hiệu quả nên đã tháo dỡ.
Ngoài ra, các tuyến đường này còn thường xuyên được duy tu sửa chữa nên mặt đường chất lượng khá tốt, phương tiện lưu thông an toàn.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh, đến năm 2030 thành phố được quy hoạch mở rộng diện tích gấp gần ba lần hiện tại, quy mô dân số khoảng 200.000 người.
Theo đó, sẽ có 5 xã của hai huyện là Càng Long và Châu Thành sẽ sáp nhập vào thành phố Trà Vinh.
Song song đó, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội sẽ được quy hoạch đầu tư xây dựng mới. Trung tâm hành chính của thành phố Trà Vinh cũng được dời ra khu vực mở rộng này.
Thành phố trong lành nhất Việt Nam, thứ 3 Đông Nam Á
Thành phố Trà Vinh có dân số khoảng 115.000 người, tỷ lệ bao phủ cây xanh đạt 29,15 m2/người.
Hồi tháng 3/2024, Cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir (Thụy Sỹ) đã công bố thành phố Trà Vinh xếp thứ 3 trong Top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Đến tháng 4/2023, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), và Trà Vinh được xếp hạng 1 cả nước.
Kết quả này là quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trong suốt nhiều năm qua của chính quyền địa phương với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thanh, Phó phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, hiện có hai đơn vị với nhân lực khoảng 100 người thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cành trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, lượng cây xanh lớn nên cần nhiều lực lượng công nhân quét lá trên đường.
“Thời điểm nào cũng dễ dàng bắt gặp công nhân đang thu gom lá cây, đặc biệt vào mùa rụng lá.
Chúng tôi phải đảm bảo lá cây không cản trở giao thông, làm nghẹt các cống thoát nước”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, công tác chăm sóc, bảo dưỡng sẽ đặc biệt chú ý đến các cây trên 100 tuổi.
Trong đó, các biện pháp thực hiện đồng loạt như bón phân, cải tạo đất, chuyền dinh dưỡng trực tiếp vào thân cây; bê tông vỉa hè bó sát gốc được tháo gỡ… Nhờ đó, các cây cổ thụ hiện nay vẫn phát triển rất tốt.
Ngoài ra, chuyên gia các và ngành chức năng trong tỉnh cũng thường xuyên khảo sát, đánh giá tình trạng của các cây, đặc biệt là cây cổ thụ.
Đây là cơ sở để chính quyền địa phương yên tâm bảo tồn, ngay cả trong điều kiện mưa bão.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tra-vinh-khong-mo-rong-duong-trung-tam-de-bao-ve-hon-14000-cay-xanh-192241120110344917.htm