Sáng 20/11, nêu ý kiến thảo luận về dự Luật Nhà giáo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đã đề nghị bổ sung quy định những điều không được làm của nhà giáo.

Cụ thể, bà đề nghị bổ sung quy định nhà giáo không được thông tin cá nhân của người học. Bà dẫn ví dụ như chia sẻ điểm số của người học lên mạng xã hội, điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của người học mà có thể gây áp lực tâm lý cho các em.

Nhà giáo cũng không bình luận về những khuyết điểm của người học trước lớp, điều này tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người học hoặc tiết lộ thông tin về bệnh tật của người học, việc này có thể khiến cho người học bị kỳ thị. 

202411201006577556_z6050578516036_cacbdc07d4cfe2387ddf8220e8fbebea.jpg
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tú Anh nhấn mạnh, việc bảo vệ thông tin cá nhân của người học là trách nhiệm của nhà giáo bằng cách tuân thủ quy định về thực hiện bảo vệ, bảo mật, từ đó góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Cũng quan tâm tới quy định không được làm với nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, dự thảo luật nêu không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo.

Đại biểu nhất trí việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.

Theo đại biểu, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia; nhà giáo cũng như mọi công dân nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh.

Nếu nhà giáo sai phạm, người dân có quyền phản ánh, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận.

Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật là không phù hợp với quy chế, quy định của pháp luật và dễ gây dư luận trái chiều.

202411201006577087_z6050565642123_32ee785dce9a4e1a41ff8d8af0737907.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, nghề giáo là nghề đặc biệt, đối tượng tác động của nghề giáo là con người, sản phẩm giáo dục là tri thức, tư chất của con người.

Do vậy, thái độ và hành vi của người làm thầy trong hoạt động nghề nghiệp, trong cộng đồng, thái độ và cách ứng xử xã hội của nhà giáo cũng phải được điều chỉnh theo một cơ chế đặc biệt. 

Ông Cường cho rằng, nhà giáo không chỉ mẫu mực nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đổi lại cũng cần phải quy định nhà giáo được ưu tiên trong các hoạt động xã hội, phải cấm các hành vi, lời nói xúc phạm đến nhà giáo trong mọi trường hợp.

Nhà giáo phải được tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, danh dự không chỉ trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp mà phải được tôn trọng, bảo vệ ở mọi nơi, mọi lúc.

Dự thảo luật quy định đánh giá nhà giáo cần phải lấy ý kiến người học, cha mẹ học sinh theo phương thức đánh giá kín, chỉ người đánh giá và người quản lý biết được kết quả.

Đại biểu đề xuất để bảo vệ danh dự nhà giáo, những thông tin đánh giá, hình ảnh giám sát xã hội với nhà giáo không được phát tán, lan truyền. Do vậy, cần cấm đưa thông tin nhà giáo lên mạng xã hội hoặc phương tiện truyền thông khi chưa được sự đồng ý của nhà giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền.

202411201118426033_z6050906086085_40682da8980c529007ac76c9dd30faf1.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Về những việc không được làm, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bổ sung: “Nhà giáo không được trực tiếp kinh doanh một số mặt hàng không phù hợp khi người bán hàng là người dạy, còn người mua hàng là người học, ví dụ như mở quán game cho học sinh chơi hoặc cô giáo bán bảo hiểm cho cha mẹ học sinh”.

Theo ông, bác sĩ có thể mở phòng mạch để khám, chữa cho bệnh nhân, đây là điều rất tốt nhưng thầy giáo không thể mở lớp dạy thêm dạy cho chính học sinh của mình. Ông lưu ý luật không cần quy định cụ thể hoạt động nào không được kinh doanh, nên trao quyền này cho địa phương, nhà trường quy định.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Chúng tôi chủ trương không cấm dạy thêm'

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Chúng tôi chủ trương không cấm dạy thêm’

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm nguyên tắc chuyên môn.
Đã hết thời 'chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm'

Đã hết thời ‘chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm’

Đại biểu Quốc hội nhận định trong những mùa tuyển sinh gần đây đã hết cái thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đầu vào ngành sư phạm ngày càng tốt hơn khi thu hút được học sinh giỏi.
'Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề'

‘Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề’

Nhân dịp 20/11, VietNamNet có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – một trong những nữ hiệu trưởng trường tư đầu tiên của cả nước.