16 năm gắn bó với những bạn trẻ khuyết tật, cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cảm thấy ngày 20/11 cũng không quá khác biệt. Với cô, hạnh phúc chính là những điều giản dị, đến từ trái tim chân thành của phụ huynh và học sinh.
Hạnh phúc không nhất định đến từ những món quà tri ân
Ngày 20/11 năm nay của cô Đinh Lan Phương (Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) đầy hạnh phúc khi nhận được một bức thư chúc mừng của học sinh. Bức thư là món quà giá trị, được cô trân trọng treo ở bảng lớp.
Cô Phương hiểu, với những học sinh đặc biệt của mình, một bức thư đó là thành quả của biết bao sự cố gắng, trau dồi và rèn luyện của các em.
“Phải đến 80% các em có hoàn cảnh khó khăn, vậy nên việc quà cáp cho giáo viên nhân ngày 20/11 gần như không có. Hoặc nếu có, chúng tôi cũng không dám nhận. Bởi hơn ai hết, chúng tôi là người đồng hành và hiểu hoàn cảnh của từng bạn”, cô Phương tâm sự.
16 năm đồng hành và dạy những đứa trẻ khuyết tật, điều làm cô Phương cảm thấy hạnh phúc nhất chính là tình cảm học sinh, phụ huynh dành cho mình. Hạnh phúc với cô không nhất định đến từ những món quà tri ân nhân ngày 20/11.
Nước mắt lưng tròng, cô Phương nhớ lại: “Tôi có một học sinh, mẹ em chạy xe ôm. Hoàn cảnh của gia đình rất khó khăn. Nhưng có một hôm tôi lên lớp, thấy phụ huynh để ở lớp cho tôi một chiếc bánh giò. Hay khi trường chuyển sang một địa điểm khác, chị ấy đã mua cho tôi một túi xôi nhỏ ở tận trường cũ và nói: “Chắc là cô Phương lâu lâu sẽ thèm đây”. Đây là cách phụ huynh thể hiện tình cảm của mình với cô dù họ không có điều kiện về vật chất”.
Với cô Phương, hạnh phúc của nghề giáo viên đến từ chính những điều giản dị mà đáng quý như vậy. Theo cô, rất khó để ngày 20/11 của ngành giáo dục đặc biệt trở thành một dịp lễ lớn như những ngành khác. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ cảm thấy mình bị thiệt thòi. Ngược lại, cô cảm thấy điều này lại chính là sự may mắn.
Cô Phương chia sẻ bản thân rất thích công việc mà mình đang làm. Đồng thời, chưa bao giờ cảm thấy mình chọn sai nghề, vì thế cô rất thoải mái với công việc và không bị so sánh.
“Tôi cảm thấy, dạy học sinh khuyết tật không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Ngay từ khi bắt đầu, tôi đã xác định được những khó khăn, khác biệt này và tôi chấp nhận những điều đó. Giáo viên khác cũng vậy, dịp này chúng tôi tự chúc mừng và động viên nhau là vui rồi”, cô Phương bày tỏ.
Sứ mệnh đồng hành cũng những đứa trẻ kém may mắn
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng di chứng của căn bệnh viêm màng não khi lên 10 tuổi khiến cô Phương bị liệt nửa người. Sau bao ngày nỗ lực điều trị, dù đã may mắn nói và đi lại được, tuy nhiên cô vẫn gặp nhiều khó khăn trong vận động.
Với quyết tâm phải có một cuộc sống ý nghĩa, cô đã thi đỗ Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô được giữ lại trường làm việc. Thế nhưng với mong muốn lớn nhất là được dạy trẻ, cô đã xin về dạy tại trường phổ thông đặc biệt.
Cũng từ đây, cô gắn liền với sứ mệnh đồng hành cùng những đứa trẻ kém may mắn.
“Tôi cảm thấy ước mơ của mình ngày càng giảm dần. Khi mới bắt đầu công việc này, tôi đã nghĩ rằng nếu mình được dạy những đứa trẻ bình thường chắc sẽ nhàn hơn nhiều. Đến khi dạy những bạn đa tật, tôi lại chỉ mong có thể dậy dỗ các bạn ấy một cách dễ dàng như các bạn bị đơn tật”, cô Phương trải lòng.
Khoảng thời gian khó khăn nhất với cô Phương có lẽ là khi cô bắt đầu dạy những học sinh đa tật, vừa bị mù vừa bị điếc. Cô Phương kể: “Tôi bất lực đến phát khóc và cũng có lúc muốn bỏ cuộc. Cha mẹ gửi các con lên trường để được dạy dỗ, thế nhưng cô giáo lại bất lực vì không biết phải bắt đầu từ đâu do các con vừa không nhìn được, vừa không nghe được. Thời gian ấy tôi khóc rất nhiều, cũng may mắn là được các đồng nghiệp động viên”.
Dần dần, cô Phương tìm lại được niềm tin khi dạy trẻ đa tật. Cô thấy rằng rất nhiều người dù bị cả mù, cả điếc vẫn có thể thành công trên thế giới. Vậy vấn đề chỉ nằm ở phương pháp dạy của giáo viên. Từ đó, cô Phương tìm hiểu các tài liệu. Đồng thời, ban lãnh đạo trường mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn. Nhận được sự tin tưởng, cô Phương cũng được cử đi các chuyến tập huấn ở nước ngoài như Thái Lan, Ấn Độ…
“Để nói từ tự tin khi dạy trẻ đa tật, tôi vẫn chưa tự tin. Thế nhưng giờ đây tôi không còn ý định muốn bỏ cuộc, tôi thấy mình vẫn còn sức để làm được. Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng và nhiệm vụ của những người giáo viên như tôi là tìm ra khả năng đó. Để làm được điều này, vậy tôi đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, tìm ra phương pháp phù hợp với từng em”, cô Phương tâm niệm.
Theo cô Phương, mỗi học sinh đều có một thế giới riêng, và hành trình để đi vào thế giới của mỗi em là một thử thách riêng. Vậy nên, mỗi sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của các em đều là niềm vui lớn đối với giáo viên và gia đình. Cô không mong ước sẽ biến học trò của mình thành thiên tài hay là bác sỹ, y tá… trong hành trình mình đi, cô chỉ mong góp sức nhỏ giúp các em sau này không phải là gánh nặng của gia đình.
Năm 2024, cô Đinh Lan Phương vinh dự nhận được Giải thưởng Võ Trường Toản vì có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, cô đã cùng đội ngũ giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu viết lại thành công bộ tài liệu chữ nổi, hình nổi cho học sinh khuyết tật 12 khối lớp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian để hoàn thành bộ sách kéo dài 5 năm.
Nguồn: https://danviet.vn/ngay-20-11-cua-giao-vien-day-tre-khuyet-tat-hanh-phuc-den-tu-nhung-dieu-gian-di-ma-dang-quy-20241120173048711.htm