(LĐXH) – Nhiều thủ tục hành chính (TTHC) đã được giảm bớt, thời gian tiếp cận cũng nhanh hơn song người dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào sự quyết tâm mạnh mẽ trong tháo gỡ các rào cản về giấy phép.
Bên cạnh đó còn có tháo gỡ rào cản về điều kiện kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
38% doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tìm hiểu TTHC
Theo Nghị quyết số 68/NQ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình), mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, 2.886 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Tuy nhiên, kết quả này được đánh giá còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, số lượng TTHC về cấp phép (từ gia nhập thị trường đến thực hiện một hoạt động cụ thể trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh) còn rất lớn, với 5.183 thủ tục – chiếm 81,6% tổng số TTHC của cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 15,2% doanh nghiệp hiện gặp khó khăn do TTHC, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2023 cho thấy, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu TTHC còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu phương thức cung cấp thông tin toàn diện, dễ hiểu và dễ sử dụng; thiếu các hỏi đáp về các vấn đề thương mại quốc tế; khó khăn khi tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia.
Kết quả khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho thấy, 32,8% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm TTHC, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý TTHC. Riêng doanh nghiệp về xây dựng cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, thủ tục trong ngành này rất khó khăn, nhiều thủ tục con, phải xin quá nhiều giấy phép.
Hệ quả là tình trạng phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC còn hình thức, trình tự để thực hiện một dự án đầu tư quá dài. Chưa kể, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cũng khiến tốc độ của nhiều quy trình, thủ tục trở nên khó xác định thời gian hoàn thành…
Những bất cập này không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn giảm cơ hội đầu tư cũng như giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.
“Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô do dự báo tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô năm tới tăng khá cao so với kỳ khảo sát trước. Nhưng các doanh nghiệp cũng chia sẻ rất sợ sách nhiễu, quá nhiều thủ tục, quá nhiều điều kiện kinh doanh”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thẳng thắn.
Doanh nghiệp mong mỏi gì?
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, một số doanh nghiệp phản ánh lo ngại về sự thiếu nhất quán và minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định mới.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ không chỉ rà soát pháp luật mà còn đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh dẫn đến khó khăn cho thích nghi và thực thi tại cấp địa phương.
Ngoài ra, một số lo ngại về các quy định mới cũng như tăng thêm những chi phí tiêu thụ gây ra nhiều áp lực với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng còn tồn tại sự chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản quy định pháp luật, gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi vì không biết nên tuân thủ quy định nào trước. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt còn phức tạp và kéo dài.
Nhiều TTHC liên quan đến việc xin giấy phép phê duyệt dự án hay cấp phép hoạt động còn mất nhiều thời gian, công sức làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và quá trình phát triển của các doanh nghiệp.
Một số văn bản pháp luật bị thay đổi đột ngột khiến doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã không đủ tiềm lực.
Ngoài ra, một khó khăn nữa là các quy định mới, đặc biệt là chi phí tuân thủ tương đối cao như: Chi phí về môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, thuế… đã tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị, các TTHC nên được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đặt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.
Còn đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Hà Nội, ông Joseph Uddo cho rằng cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan như: Giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia.
Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, không chỉ cắt bỏ một vài giấy tờ hay một vài ngày trong thời hạn mà phải cắt giảm được chi phí tuân thủ không cần thiết;
Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách TTHC, điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt. Việc cắt giảm phải trên nguyên tắc gắn với cơ chế và điều kiện để bảo đảm thi hành, không cào bằng trong tất cả lĩnh vực và phải lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 138
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/thu-tuc-hanh-chinh-rao-can-vo-hinh-bo-chan-doanh-nghiep-20241116102439921.htm