(CLO) Ngày 20/11 hàng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh những người thầy, người cô những người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Để thể hiện tình cảm này, không ít nhà báo đã sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm báo chí được đầu tư công phu, đồng thời bằng tình cảm trân trọng, người làm báo còn luôn đồng hành chia sẻ khó khăn cùng ngành giáo dục vùng cao.
Đồng hành và sẻ chia cùng ngành giáo dục
Trong số rất nhiều lĩnh vực khác nhau, viết về nhà giáo về ngành giáo dục luôn được sự quan tâm của đông đảo người làm báo trên cả nước. Nhiều nhà báo đi vào đề tài này đã có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức trình bày. Đặc biệt tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục, những tồn tại hạn chế của ngành. Đồng thời ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.
Loạt bài “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên: Cung hào hứng – Cầu thờ ơ, gồm loạt 3 bài của nhà báo Lê Thị Thu và đồng nghiệp tại Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự nhận giải Đặc biệt Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhà báo Lê Thị Thu, đại diện nhóm tác giả cho biết: “Chúng tôi thực hiện loạt bài này với mong muốn lý giải phần nào vì sao một chính sách nhân văn, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo lại “tắc” khi triển khai? Tại sao các địa phương thiếu giáo viên nhưng vẫn chưa “mặn mà” đặt hàng đào tạo? Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp “khơi thông” Nghị định 116 cho nhiệm vụ đặt hàng đào giáo viên” – nhà báo Lê Thị Thu chia sẻ.
Nhớ lại quãng thời gian thực hiện tác phẩm, nhà báo Lê Thị Thu cho biết, triển khai thực hiện đề tài này, nhóm tác giả cũng có nhiều thách thức bởi vì đề tài có tính vĩ mô, có tác động lớn. Thách thức từ khi lên mạch ý tưởng, cách đặt tít như thế nào cho khéo để thể hiện rõ điều chúng tôi mong muốn truyền tải là mối quan hệ “cung” – “cầu”, nhưng lại là ở khía cạnh nóng-lạnh, “sốt sắng” – “thờ ơ”… và những người ở giữa chính là các sinh viên sư phạm. Nếu mối quan hệ “cung” – “cầu” được khơi thông thì các em hưởng lợi từ chính sách, nhưng nếu mối quan hệ đó bị vướng thì các em chịu thiệt thòi…
“Vì thế chúng tôi nghĩ là thử thách nhất đối với loạt bài này không phải là đi công tác ở những vùng xa xôi như những bài khác chúng tôi làm, mà là cách thuyết phục để làm sao nhân vật của mình sẵn sàng chia sẻ và làm sao để bắt được những ý tứ hay của họ” đại diện nhóm tác giả nhận xét.
Bên cạnh các bài về cơ chế chính sách về ngành giáo dục, nhiều nhà báo còn tập trung khai thác và tìm kiếm về những người thầy, người cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Như câu chuyện gắn liền với điểm trường Tắk Pổ thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nơi có bài viết và bộ ảnh khai giảng đầy giản dị, đơn sơ đã được phản ánh trong tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” của nhà báo Thái Bá Dũng (Báo Tuổi Trẻ). Sau khi đăng tải, điểm trường Tắk Pổ đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Qua những bài viết, những bức ảnh được đăng tải, nhà báo Thái Bá Dũng nói riêng và nhiều phóng viên nhà báo theo mảng giáo dục lại cảm thấy tự hào hơn khi mình được làm cầu nối, để truyền tải và nói lên những trăn trở của nhân vật đến với tất cả mọi người. Nhưng để làm được điều này người làm báo phải đi sâu, trực tiếp sống trong hoàn cảnh đó, để lắng nghe và chia sẻ… có như vậy mới viết ra những câu chuyện chân thực nhất và khách quan nhất.
Tiếp sức chia sẻ khó khăn đến thầy và trò vùng cao
Trong các năm qua bên cạnh công tác truyền thông đồng hành với ngành giáo dục, Báo Nhà báo & Công luận còn luôn nỗ lực chia sẻ với giáo dục vùng khó. Chương trình “Ước mơ xanh” do Báo khởi xướng đã chia sẻ cùng hàng trăm học sinh sinh viên nghèo, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học các tỉnh miền núi.
Như trong tháng 10 năm 2024 vừa qua, đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận đã vượt gần 400km để đưa những bộ bàn ghế học sinh, những đồ dùng, thiết bị học tập thiết yếu… trao tặng cho học trò các huyện miền núi tỉnh Lào Cai, giúp các em được học tập trong điều kiện đầy đủ hơn.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cao Sơn (xã Cao Sơn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) là một trong những điểm của đoàn. Đây là một trong 10 xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, và có đến tận nơi vùng xa xôi của huyện miền núi xã Cao Sơn, huyện Mường Khương mới cảm nhận hết sự khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo và học sinh vùng cao. Những lớp sương trắng dày bao phủ khắp những ngọn núi, trưa đến nhiệt độ tăng dần lên, chiều khoảng 16h khi nắng xuống, không khí lạnh lại bao trùm nơi đây.
Cùng với điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, hiện nay các trường và điểm trường của xã cũng gặp những vấn đề nhất định, ngoài việc học sinh phải đi học xa nhà đường giao thông trở ngại, thì điều kiện ăn ở học tập của các em cũng những vất vả riêng. Các em học sinh cấp mẫu giáo và lớp 1, 2 sẽ học tại các điểm trường ở dưới các thôn, với học sinh lớp 3 sẽ học bán trú tại các trường ở trung tâm xã.
Chia sẻ với những khó khăn của thầy và trò nơi đây, đoàn trao các phần quà hỗ trợ cho thầy và trò nhà trường. Bao gồm: téc nước, máy giặt, tủ lạnh, đèn sưởi, bàn ghế ăn, ngoài ra còn 50 đệm, 50 chăn bông, 192 gối, ga giường… các đồ dùng phục vụ học tập và sinh hoạt cho các em học sinh. Các phần quà của đoàn không chỉ hỗ trợ trực tiếp các em học sinh học bán trú mà những phần quà này sẽ còn được xuống các điểm trường, hỗ trợ các em ấm áp hơn vào mùa đông sắp tới.
Theo anh Hoàng Trường Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương: “Đoàn công tác Báo Nhà báo và Công luận đã vượt hàng trăm km đến với trẻ em vùng cao trao các phần quà rất thiết thực và ý nghĩa, việc hỗ trợ thầy cô và học sinh cũng chính người dân nơi đây bớt đi khó khăn trong đời sống… Trong quá trình phát triển lĩnh vực giáo dục của huyện rất cần sự chung tay đồng hành của cơ quan báo chí để đưa xã Cao Sơn và huyện Mường Khương tiếp tục phát triển”.
Có thể nói, trong suốt hành trình của mình người làm báo luôn đồng hành cùng ngành giáo dục, cùng các thầy cô. Họ hằng ngày, hàng giờ san sẻ những khó khăn cùng các thầy cô trong sự nghiệp “trồng người”. Qua mỗi tác phẩm báo chí và mỗi phần quà gửi đến vùng cao người làm báo đều có chung một tinh thần đó là sự chia sẻ – thấu hiểu và đó luôn là điều quý giá nhất trong suốt hành trình này.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-lam-bao-dong-hanh-cung-thay-co-giao-trong-su-nghiep-trong-nguoi-post321945.html