Trong loạt bài trước, Báo Nhân Dân đã có những ghi nhận về bài học thành công và xương máu với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi mang trí tuệ, sản phẩm công nghệ ra thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, tiếp tục chia sẻ sâu hơn về những kinh nghiệm tiếp cận thị trường, những thách thức đặt ra với các doanh nghiệp và một số các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam nối tiếp hành trình chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Phóng viên: Tổ công tác đưa sản phẩm công nghệ số Việt Nam ra thế giới do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập đã góp phần nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên thế giới bằng một loạt chương trình hành động thiết thực. Nhìn lại hành trình một năm qua, ông đánh giá thế nào về những việc chúng ta đã làm được?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Từ trước năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương hỗ trợ, đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới. Đầu năm 2023, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nhằm quyết liệt triển khai các giải pháp để hiện thực hóa chủ trương trên.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ đã tổ chức 7 đoàn đưa doanh nghiệp ra nước ngoài tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Singapore, Australia, New Zealand, Tây Ban Nha kết nối 60 doanh nghiệp Việt đến với hơn 3.000 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong các phân khúc BPO, ITO, bán dẫn, xe tự lái, Fintech …tổ chức hơn 100 cuộc tìm kiếm đối tác kinh doanh (business matching) của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Gian hàng quốc gia trưng bày sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam tại ATxSG, triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á tổ chức tại Singapore năm 2023 và 2024 đã thu hút khoảng 1.800 lượt quan khách viếng thăm và tạo được thiện cảm của đối tác và bạn bè quốc tế về sản phẩm công nghệ số của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các giải thưởng công nghệ số quốc tế như Giải thưởng Công nghệ số Asean (ADA), Giải thưởng Công nghệ thông tin châu Á-Thái Bình Dương (APICTA). Năm 2024, các doanh nghiệp Việt đã dẫn đầu 10 nước ASEAN về số huy chương vàng, bạc tại ADA 2024…
Ngoài các sự kiện tổ chức ở nước ngoài, Bộ còn đồng hành cùng với các hội, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại Việt Nam để mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới như Vietnam-UK business matching tháng 3/2024; Hội thảo Hong Kong – a World of Opportunires in Innovation & Technology tháng 3/2024; Hội thảo thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Fukuoka, Nhật Bản tháng 6/2024…
Bộ cũng đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (phần lớn là doanh nghiệp phần mềm) có nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ số ra nước ngoài với tham tán thương mại của Việt Nam tại 10 nước trên thế giới gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc). Buổi gặp mặt góp phần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với các thị trường xuất khẩu trọng điểm phần mềm của Việt Nam, thúc đẩy mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn gặp khó khăn và thị trường công nghệ thông tin thế giới với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, những hoạt động này đã góp phần cao góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế và giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường.
Phóng viên: Trong nhiều thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam đã định hình những tệp khách hàng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á…, theo ông, đâu là thị trường còn nhiều tiềm năng chưa khai phá với các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Hiện nay, các thị trường chính của Việt Nam là Đông bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada). Thị trường tiềm năng có châu Âu, Đông Nam Á. Nhưng theo tôi, Nhật Bản là một thị trường rất nhiều tiềm năng và thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhật Bản là một thị trường công nghệ thông tin khổng lồ với quy mô 455 tỷ USD năm 2023, dự kiến tăng lên 480 tỷ USD năm 2028. Thế nhưng, theo thông tin từ Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), Nhật Bản đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có nhân lực phần mềm, vì dân số già hoá nhanh chóng trong khi người Nhật trẻ không muốn học công nghệ thông tin mà chỉ thích học các ngành như tâm lý học, xã hội học…
Nhật Bản đang khát nhân lực công nghệ thông tin hơn bao giờ hết. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật ngày càng phụ thuộc và nguồn lao động nước ngoài để tồn tại.
Các doanh nghiệp Nhật cũng đang kỳ vọng Chính phủ Nhật sẽ có những động thái tiếp theo nhằm mở rộng cơ hội đón nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt vào làm việc trong rất nhiều lĩnh vực đang thiếu hụt lao động trầm trọng, như tài chính, ngân hàng, quản trị công, y tế, bán lẻ…
Mới đây, ngày 5/6/2024, chính quyền tỉnh Fukuoka, nền kinh tế đứng thứ 4 của Nhật bản đã tổ chức Hội thảo thu hút đầu tư vào Fukuoka với mong muốn có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đặt chân tại đây. Ngoài Fukuoka, Kanagawa, tỉnh nằm kề Tokyo cũng mong muốn tương tự.
Đích thân Chủ tịch tỉnh Kanagawa, ngài Yuji Kuroiwa đã nói với tôi rằng ông mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở chi nhánh hoặc văn phòng để giúp thành phố Yakohama – thủ phủ Kanagawa làm chuyển đổi số.
Ngoài Nhật Bản, cơn khát nhân lực công nghệ số Việt Nam cũng đang nóng ở các cường quốc như Hoa Kỳ, Singapore, châu Âu, Anh… đặc biệt với các công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Từ đầu năm đến nay, nhiều phái đoàn chính phủ và doanh nghiệp của các nước trên đã đến Hà Nội, đến Bộ Thông tin và Truyền thông để trao đổi khả năng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác.
Sáng 18/6, khi thăm Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Oxman, Chủ tịch Hội đồng Công nghệ thông tin Hoa Kỳ đã phát biểu rằng Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Phóng viên: Bước ra biển lớn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều “ông lớn” trên thế giới. Theo ông, tính cạnh tranh của sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” nằm ở đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Việt Nam đang là nhà cung cấp dịch vụ ủy thác lập trình phần mềm (offshore software outsourcing) có tên tuổi cho thị trường toàn cầu, đứng thứ 6 trên thế giới và đứng hàng đầu tại Nhật bản.
Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã phát triển ở trình độ cao hơn. Trước đây khi mới bắt đầu tham gia thị trường nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam chủ yếu cung cấp nguồn lực con người, giải các bài toán/lập trình theo đặt hàng.
Ngày nay nhiều doanh nghiệp Việt đã có khả năng tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trọn gói. Để thâm nhập thị trường nước ngoài, doanh nghiệp phải có giải pháp, sản phẩm. Doanh nghiệp phải hiểu nghiệp vụ của khách hàng, phải có phần lõi của riêng mình. Tại Nhật, các doanh nghiệp công nghệ thông tin thành công đều xây dựng được hệ sinh thái bao gồm các thành viên, hệ thống chi nhánh khắp Nhật Bản, hệ thống sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và lĩnh vực đa dạng, bao trùm.
Các dịch vụ của doanh nghiệp Việt đã hiện hữu ở nhiều mảng hoạt động như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và vận tải, sản xuất và tự động hoá, phát triển nhân lực công nghệ.
Gần đây doanh nghiệp công nghệ Việt còn vươn ra những lĩnh vực mới như logistic, y tế sức khoẻ, viễn thông, năng lượng, chuyển đổi số, khách sạn, giải trí và thương mại điện tử…
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng dần tiếp cận được hầu hết các công nghệ số chủ chốt như 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, robot, thực tại ảo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây.
Trong hai triển lãm Công nghệ châu Á tại Singapore ATxSG tháng 6/2023 và tháng 5/2024, các doanh nghiệp Việt đã giới thiệu trên 80 sản phẩm trên nền công nghệ mới như sử dụng AI trong chẩn đoán ung thư của VinBrain, giải pháp an toàn thông tin cho IoT của VNPT, giải pháp nhà thông minh của VNPT, đèn thông minh của Rạng đông, giải pháp cho công nghệ cho mạng 5G của TM), camera thông minh của HANET, công tơ điện tử, trạm xạc điện thông minh của EVN, Flyer AI của VTI, công nghệ AI xác thực vật thể và mô phỏng nhân vật của NTQ, giải pháp chuỗi cung ứng của Smartlog, công nghệ hoạt hình của Sconnect…
Một số doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sau khi đã thành công ở 1 nước G7 đã đưa sản phẩm đã thành công ở nước này tiến ra thị trường các nước khác với danh nghĩa sản phẩm G7 và đã thu hái được những thành công đáng khích lệ.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay cơ sở dữ liệu về hoạt động xuất khẩu sản phẩm số của Việt Nam ra thế giới được chúng ta xây dựng như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông đã xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có dữ liệu về doanh thu, xuất khẩu, sản phẩm, nhân lực…
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghệ số, năm 2023, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam (không kể doanh nghiệp FDI) đạt xấp xỉ 9 tỷ USD (chiếm 6,3% tổng doanh thu toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin – 142 tỷ USD).
Số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia kinh doanh tại thị trường nước ngoài khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu là Viettel, VNPT, FPT, CMC, TMA, NTQ Solution, Rikkei Soft, VMO Holdings, VNG, MOR Software, …
Phóng viên: Bên cạnh thành công của nhiều doanh nghiệp định hình tên tuổi ở thị trường quốc tế, còn có rất nhiều doanh nghiệp non trẻ đang có mục tiêu mang sản phẩm công nghệ Việt ra thế giới. Theo ông, những bài học nào có giá trị với các doanh nghiệp còn non trẻ hiện nay để họ không “vấp ngã” ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Tôi có thể lấy thí dụ từ thị trường Nhật Bản. Tháng 5/2023 vừa qua, trong thời gian diễn ra Tuần lễ công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản do VINASA tổ chức, chúng tôi đã có dịp thăm và làm việc với một số doanh nghiệp thành công ở Nhật Bản như FPT Japan, NTQ Japan, VMO Japan, Rikkeisoft….
Lãnh đạo các doanh nghiệp này đã chia sẻ cho chúng tôi những bí quyết thành công của họ.
Một là “Tiến về các trung tâm đầu não ở Tokyo rồi từ đó lan ra khắp nước Nhật”. Trước đây khi đặt văn phòng ở các tỉnh lẻ, việc thuyết phục khách hàng Nhật Bản rất khó khăn. NTQ Japan đã quyết định chuyển trụ sở từ tỉnh lẻ Kanagawa sang quận trung tâm Chiyoda, thủ đô Tokyo. Vị trí trụ sở ở quận “kim cương” đã giúp doanh nghiệp đạt được niềm tin trong con mắt khách hàng Nhật Bản, khiến họ tin tưởng đặt bút ký hợp đồng.
Hai là, “Dùng người Nhật tiếp cận thị trường Nhật”. Nhật Bản là một thị trường rất khó tính. Người nước ngoài phải mất hàng chục năm mới hiểu được ngôn ngữ, văn hóa, nghiệp vụ như người Nhật. Hơn nữa người nước ngoài tiếp cận khách hàng Nhật rát khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt thường tuyển người Nhật từ các công ty khác. Dù chi trả cho nhân viên người Nhật đắt hơn nhưng họ tạo ra độ tin cậy cho khách hàng. Năm 2020, FPT Japan thành lập FPT Consulting với đa số nhân viên là người Nhật.
Ba là, đánh thẳng vào đầu não. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp Việt quảng bá bằng cách “rải truyền đơn” qua việc gửi hồ sơ đi khắp nơi. Kết quả thường không nhận được phản hồi nào cả. Bây giờ doanh nghiệp lựa chọn và tìm cách tiếp cận thẳng đến lãnh đạo cao nhất của những tổ chức, doanh nghiệp là khách hàng tiềm năng.
Bốn là, chuyển từ “Offshore” (sử dụng nguồn lực trong nước – xa bờ – PV) sang “NearShore” (sử dụng nguồn lực nước ngoài – gần bờ – PV) và “BestShore” (cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất cho khách hàng – PV). Trước đây, FPT Japan chỉ mở các văn phòng tại Nhật, tiếp nhận công việc để chuyển về Việt Nam thực hiện theo cách “Offshore”. Gần đây khi Chính phủ Nhật Bản ra chính sách chỉ giao việc trên đất Nhật chứ không đưa việc ra nước ngoài. Đề đối phó với chính sách này, FPT Japan đã chuyển từ văn phòng thành chi nhánh đặt tại các thành phố của Nhật, thực hiện cách tiếp cận “Near Shore” thay vì “Offshore”.
Năm 2017, FPT Japan thành lập trung tâm “Nearshore” đầu tiên là Công ty Cổ phần FPT Okinawa & R&D, sau đổi tên thành FPT NearsShore và mở thêm chi nhánh tại Fukuoka và Hokaido. Đến nay FPT Japan đã hình thành mạng lưới 16 chi nhánh ở khắp các tỉnh của Nhật Bản và sắp có chi nhánh thứ 17.
Phóng viên: Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp có vị trí ở một số thị trường lớn trên thế giới, nhưng không ít doanh nghiệp đã gặp thất bại. Theo ông, doanh nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nào khi đưa sản phẩm công nghệ số ra thế giới?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Rất nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo tôi, đầu tiên là chưa nhiều người ngoài, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài biết đến công nghệ số Việt. Công nghệ thông tin là ngành có doanh thu lớn, xuất khẩu nhiều, giá trị lợi nhuận cận biên cao, là một ngành kinh tế có khả năng sinh lời lớn của Việt Nam. Tuy vậy hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin còn rất khiêm tốn.
Nếu so sánh với một ngành đang được nhà nước hỗ trợ nhiều trong những năm qua là sản xuất lương thực thì năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn lúa gạo với doanh thu 4,7 tỷ USD, lợi nhuận cận biên 30 triệu USD (khoảng 0,6% doanh thu). Cũng trong năm 2023, giá trị xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam ước đạt 9 tỷ USD, gấp hai lần xuất khẩu lúa gạo. Điều đáng nói là giá trị gia tăng của xuất khẩu phần mềm cao hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu gạo, đạt xấp xỉ 80%.
Tuy vậy, mỗi năm nhà nước chỉ dành một khoản kinh phí rất nhỏ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc xúc tiến thương mại (khoảng 2,5 tỷ đồng/năm) thông qua Chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương.
Mặc dù cố gắng rất nhiều, nhưng do kinh phí có hạn, gian hàng Make in Vietnam tại triển lãm ATxSG 2024 khá khiêm tốn so với gian hàng của các nước, nhất là các đối thủ công nghệ số của chúng ta như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Danh mục sản phẩm của chúng ta vẫn còn khiêm tốn. Ngoài mảng phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin là thế mạnh thì nhóm sản phẩm phần cứng Việt Nam hầu như chưa có hiển diện trên thị trường quốc tế ngoài các sản phẩm do doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sản xuất.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đối với doanh nghiệp công nghệ, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực từ hệ thống đào tạo đại học. Mặc dù Việt Nam có gần 170 trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin nhưng chất lượng đào tạo không đồng đều, chỉ tầm 30% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhân lực chúng ta còn yếu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm đặc biệt là kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Cuối cùng chúng ta còn chưa có một hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số cùng đồng hành đi ra nước ngoài.
Phóng viên: Ông vừa đề cập tới việc cần phải có một hệ sinh thái doanh nghiệp Việt để đồng hành đi ra thế giới. Giải pháp này, theo ông cần được triển khai thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp Việt để đánh Cá Voi ở nước ngoài rất quan trọng. Theo đó, để giành được các dự án công nghệ thông tin lớn (Dự án Cá voi), doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái mạnh bao gồm các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước của Việt Nam có thế mạnh về công nghệ mới, sản phẩm mới nhưng năng lực về sale kém thì các doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ngoài có đội sale mạnh hơn, có network mạnh hơn. Nếu hai bên kết hợp được điểm mạnh với nhau để khai thác thị trường tại chính nước đó và từ đó nâng cao năng lực thâm nhập thị trường toàn cầu.
Một điều quan trọng không kém là cần phải cần có sự hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt về các thị trường nước ngoài tiềm năng, để doanh nghiệp dám ra khơi đánh cá.
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh (business matching), tổ chức triển lãm, hội chợ hoặc tham gia các hoạt động triển lãm hội chợ quốc tế để tuyên truyền, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, sản phẩm công nghệ số Việt.
Các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin (đại học, dạy nghề) cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài, chú trọng đến các công nghệ mới, ngoại ngữ Anh, Nhật, Trung và kỹ năng mềm.
Cùng với “Made in Vietnam”, các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm, dịch vụ “Made by Vietnam” phục vụ cho thị trường toàn cầu. Để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi được ra thế giới, từ chiến lược “Go Global from Japan” của FPT Japan hay “Made by NTQ” của NTQ Japan có thể thấy rằng để các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam dễ được khách hàng thế giới chấp nhận, chúng ta không nên chỉ giới hạn với những sản phẩm, dịch vụ giải pháp làm tại lãnh thổ Việt Nam (Made in Vietnam) mà cần khuyến khích mọi sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do doanh nghiệp Việt Nam tạo ra, dù doanh nghiệp đó đặt tại Việt Nam hay một nước khác, miễn là do người Việt làm chủ.
Việt Nam cần có chiến lược tiếp thị doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam toàn cầu “Made by Vietnam” để thúc đẩy, tăng cường hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đi ra nước ngoài. Theo đó, bất kỳ sản phẩm, giải pháp, dịch vụ nào miễn là của doanh nghiệp do người Việt làm chủ, dù doanh nghiệp đó có hoạt động tại bất kỳ nước nào như Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ đều được khuyến khích phát triển.
Phóng viên: Đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang. Tổ công tác đưa sản phẩm công nghệ số Việt Nam ra thế giới sẽ tiếp tục tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường nước ngoài như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên: Xác định còn rất nhiều việc phải làm, Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây sẽ triển khai rất nhiều giải pháp để tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường nước ngoài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để thiết lập kênh, đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài (đặc biệt tập trung vào các nước như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường khảo sát nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường nước ngoài; Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam đang làm cho thị trường nước ngoài để xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau khi tham gia thị trường nước ngoài.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường nước ngoài để nghiên cứu, thu thập thị thông tin về trường nước ngoài về công nghệ thông tin để làm cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, xây dựng phương án kinh doanh.
Tiếp tục thành công của năm qua, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn ra hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho Doanh nghiệp: Tham gia các Hội trợ, triển lãm, hội thảo liên quan đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông.
Việc tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng đặc biệt quan trọng để nâng tầm hơn nữa thương hiệu doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam ra thế giới.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên!
Nguồn:https://special.nhandan.vn/ra-khoi-bat-ca/index.html