Năm 2023, thư ngỏ gửi xin đổi hoa, bánh kem dịp 20/11 sang tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 89 học sinh khó khăn của ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, gây sốt và tạo nên hiệu ứng trong dư luận. Năm nay, trường không xin nhưng… tiền vẫn đến.
Dịp 20/11, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi cùng ông Đinh Phú Cường quanh câu chuyện hiệu trưởng “cầm tiền người khác” chăm lo cho học trò.
“Cầm tiền người khác, áp lực lắm!”
– Ý tưởng “xin đổi hoa, quà dịp 20/11 sang BHYT cho học sinh” của ông xuất phát từ đâu?
Trường tôi nằm trên địa bàn khó khăn, đông con em người Hoa còn e dè với việc mua BHYT. Hàng năm, tôi cùng giáo viên trong trường đều góp tiền túi để mua BHYT cho học trò nghèo nhưng sức mình có hạn, cùng lắm chỉ gom góp được chục cái thẻ.
Tôi nhìn lại thấy mỗi dịp 20/11, trường ngập hoa và bánh phụ huynh gửi tặng. Có năm trên bàn làm việc của tôi có đến 7-8 cái bánh kem, bánh tập thể tặng to lắm, để tràn cả bàn.
Tôi nhờ thầy cô, lao công, bảo vệ ăn giùm, cầm về giùm nhưng ai cũng lắc đầu “mập lắm thầy ơi”. Tôi nhẩm tính một chiếc bánh như vậy cũng phải vài triệu đồng mà không dùng đến. Hoa cũng vậy, hơn cả chục lãng hoa mà ngày hôm sau mình phải nhờ người đến dọn.
Nhìn cảnh tượng đó, tôi tự hỏi sao mình có thể để bỏ phí như thế trong khi học trò của mình không có nổi chiếc thẻ BHYT.
Tôi họp với giáo viên trong trường, đưa ra ý tưởng xin đổi hoa, quà trong dịp 20/11 sang thẻ BHYT cho học sinh. Phải làm sao để phụ huynh không mặc cảm với món quà họ tặng và đồng cảm với trường. Lá thư ngỏ ra đời, tôi không ngờ lại được lan tỏa nhiều đến vậy.
Tôi vui khi việc này không chỉ lan tỏa ở trường mình mà một vài trường học khác cũng “xin đổi quà” hướng đến sự chăm lo thật sự cho học trò.
Năm nay, tôi không xin gì cả. Tôi gửi một lá thư nội bộ thông báo đề nghị không tổ chức vận động tặng quà, hoa, liên hoan đội ngũ nhà trường dưới mọi hình thức. Và trường cũng xin phép không nhận hoa, quà chúc mừng của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS).
Nhưng dư âm “xin thẻ BHYT” năm rồi dường như đang thành nếp truyền thống mới ở trường. Từ đầu năm đến giờ, nhiều phụ huynh gửi tặng trường thẻ BHYT cho học sinh với tổng số tiền đến nay là 120 triệu đồng.
– Khi viết thư ngỏ xin đổi hoa, quà sang tiền mua thẻ BHYT cho học sinh, ông có phải đối mặt với áp lực?
Tôi lo lắm! Trước khi viết thư đã lo bởi tôi không biết chắc điều mình làm có đúng hay không. Khi việc này được lan tỏa, được ủng hộ, tôi càng áp lực. Cầm tiền người khác áp lực lắm, lo mình dùng không đúng thì có lỗi với phụ huynh. Tôi lo đến độ mất ngủ cả tuần.
Sau đó, tôi quyết định phụ huynh cho bao nhiêu, chi cho ai, chi cái gì, tôi đẩy hết lên website trường, công khai đến báo chí, gửi báo cáo về UBND quận để phụ huynh, thầy cô giáo trong trường, xã hội cùng nắm và cùng giám sát.
Năm 2023, sau khi mua thẻ BHYT cho học sinh còn dư hơn 100 triệu đồng, tôi nghĩ ngay “số dư này trường giữ lại không hay”. Tôi gọi điện cho các mạnh thường quân, xin phép dùng số tiền còn lại tặng học sinh nghèo. Tết năm rồi, 101 học sinh khó khăn của trường lãnh được 1 triệu đồng/em từ khoản này.
– Một bên là học trò khó khăn cần sự hỗ trợ và một bên là áp lực “cầm tiền người khác”. Làm sao để người quản lý trường học vượt qua để dám nghĩ, dám làm?
Chỉ bằng cái tâm thôi, không có cách nào khác! Nếu tính toán thiệt hơn, đặt lên bàn cân làm vậy mình không được gì mà còn tai tiếng thì mình sẽ sợ, sẽ ngại và không muốn đụng việc. Khi người quản lý không muốn đụng việc thì rất khó có sự thay đổi.
– Nhắc đến Trường THCS Nguyễn Văn Luông giờ đây, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh “đổi hoa, quà sang thẻ BHYT”. Mình nghĩ đến học trò nhưng còn tâm tư của người thầy?
Nhiều thầy cô chia sẻ với tôi giá như ngày này đừng rầm rộ quá thì họ sẽ đỡ áp lực, đỡ tâm lý nặng nề. Khi tôi đề xuất “đổi quà”, thầy cô vui lắm vì trường mình làm được một việc ý nghĩa, nhân văn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong việc này, không có giáo viên ủng hộ, tôi không làm được.
Nhiều thầy cô ra ngoài, nói đang công tác tại trường là người đối diện nhắc ngay câu chuyện trường xin đổi quà này.
“Thầy cô tập trung dạy học, tiền bạc là việc của hiệu trưởng”
– Được biết, nhiều năm qua, ở Trường THCS Nguyễn Văn Luông không có quỹ phụ huynh?
Chính xác là 8 năm nay, trường không thu quỹ của phụ huynh, không thu quỹ tài trợ. Ở trường không có quỹ phụ huynh lớp, không có quỹ phụ huynh trường. Các hoạt động cho học sinh vẫn đảm bảo trong điều kiện tài chính ngân sách của trường từ các khoản được phép thu.
Phụ huynh Trường THCS Nguyễn Văn Luông đến trường tư vấn về pháp luật, sức khỏe cho học sinh, giáo viên (Ảnh: Đ.C).
Khi biết điều này, một số anh chị trong ban BĐD CMHS phản ứng: “Nếu không thu tiền thì bầu chúng tôi vào ban đại diện để làm gì?”.
– Câu trả lời của ông là…?
Tôi nói với phụ huynh, BĐD CMHS cần thiết lắm, nhiều việc lắm. Nói không với tiền, BĐD CMHS trường hoạt động rất hiệu quả, nhất là việc đóng góp theo năng lực và nghề nghiệp của mình.
Phụ huynh làm luật sư, chúng tôi mời đến trường tư vấn pháp luật cho giáo viên, học sinh; phụ huynh làm công an sẽ hỗ trợ học trò làm căn cước công dân… Cách đây vài ngày, phụ huynh làm bác sĩ vào tổ chức chuyên đề tư vấn dinh dưỡng cho học trò.
Phụ huynh hỗ trợ, không tốn đồng bạc nào mà lại hữu ích, hiệu quả. Đây chính là những đóng góp lớn nhất của BĐD CMHS.
Còn về việc đóng góp vật chất, phụ huynh họ rất thông thái. Họ nhìn cách làm của trường sẽ biết trường có thật sự vì học trò hay không.
Có phụ huynh gửi tặng trường hàng ngàn cuốn tập để làm phần thưởng cho học sinh. Tặng bao nhiêu họ cũng không tiếc nhưng nếu yêu cầu họ đóng 100.000-200.000 đồng, họ cự ngay. Năm ngoái, còn có trường hợp mạnh thường quân giấu tên chuyển đến trường 60 triệu đồng mua thẻ BHYT cho học sinh.
– Nói “không” với quỹ phụ huynh, ông có thấy mình đang đi ngược dòng?
Tôi đọc kỹ Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT và thấy bản chất quỹ CMHS là phục vụ cho các hoạt động hành chính của BĐD CMHS, còn mọi hoạt động của học sinh trong trường đều phải đến từ nguồn của nhà trường. Thế nên, nhà trường không cần phải có quỹ phụ huynh.
Hơn nữa, tôi rất kỵ và cực kỳ khó chịu trước hình ảnh bố mẹ đi họp phụ huynh phải móc vài trăm nghìn ra đóng. Rồi thầy cô giáo lên lớp mà cứ “đóng tiền” thì hình ảnh trong mắt phụ huynh, học sinh cũng khác đi nhiều lắm. Nó không đẹp! Nó xót xa lắm!
Phải làm sao khi phụ huynh đến họp là để trao đổi về công tác chuyên môn, giáo dục đạo đức cho học trò.
Tôi nói với giáo viên của mình: “Thầy cô lên lớp dạy đúng, dạy đàng hoàng giúp tôi. Còn tiền bạc là việc của hiệu trưởng”.
Giáo viên không phải đụng tới bất cứ đồng bạc nào. 100% học phí của trường thu online qua bộ phận hành chính, thầy cô giáo không đụng đến tiền trường. Nhờ vậy, mối quan hệ thầy trò giữ được sự tôn trọng.
– Nói đến hình ảnh đẹp về tình thầy trò, câu chuyện nào về học trò để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất?
Lần đó, tôi đi khám ở bệnh viện Bình Dân, khi tôi đang xếp hàng chờ đến lượt thì một nữ bác sĩ chào tôi và hỏi: “Thầy ơi, thầy còn nhớ con không?”. Tôi nhìn lên cười và lắc đầu…
Em học trò nhắc lại em là cô trò có hoàn cảnh khó khăn, học với thầy tại trường bán công Hậu Giang, thầy đã đóng học phí cho em. Sau này, em nhận được học bổng, đi du học ở Mỹ trở thành bác sĩ.
Trường hợp khác là em học trò, năm đó bước vào lớp 6, tự nhiên mắt em mờ dần. Người mẹ đến trường rút hồ sơ cho con nghỉ học vì không gồng gánh nổi, chị đơn thân một mình nuôi 3 đứa con.
Tôi nói với giáo viên, mình phải làm mọi cách để duy trì việc học của đứa trẻ cũng như tìm cách hỗ trợ người mẹ điều trị cho em. Nhưng cặp mắt em không cứu được…
Điều may mắn là em không đứt gánh việc học, sau này em theo học sư phạm ngữ văn chữ nổi và hiện em là giáo viên tại trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Nghề thầy, sẽ đi cùng với những buồn vui cùng học trò như vậy…
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hieu-truong-xin-doi-qua-sang-tien-va-ngoi-truong-khong-co-quy-phu-huynh-20241119152414308.htm