Ở tuổi 16, Cao Việt Quỳnh đã ra mắt bạn đọc 8 cuốn tiểu thuyết, trong đó, mới đây là bộ “Lục Địa Rồng” gồm 5 tập, dày hơn nghìn trang. Theo Tiến sĩ Văn học Hà Thanh Vân: “Với một khối lượng nhân vật đồ sộ lên đến hàng trăm người, chủ yếu miêu tả cảnh hành động và đối thoại, Cao Việt Quỳnh cho thấy kỹ thuật viết văn cũng như tư duy nghệ thuật già dặn trước tuổi… Nếu Cao Việt Quỳnh đã có ý thức về việc xây dựng cho mình một “vũ trụ văn chương Fantasy/Sci-fi”, thì bộ tiểu thuyết “Lục Địa Rồng” là một mảnh ghép thành công cho vũ trụ đó”.
Vì sao Quỳnh lựa chọn thể loại Fantasy/ Sci-fi cho tiểu thuyết của mình?
Nhà văn CAO VIỆT QUỲNH: Thể loại giả tưởng, như Sci-fi và Fantasy, cho em một sự tự do vô hạn. Em không bị ràng buộc bởi những định lý, logic thông thường, mà có thể tự do sáng tạo. Chỉ ở thể loại giả tưởng này, em mới có thể song hành cùng các vị thần, phù thủy với phép thần thông vô biên, du hành đến những vì sao, dải ngân hà khác. Một thế giới khác hẳn với đời thường.
Bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi” gồm 3 tập đã mở ra vũ trụ văn chương Fantasy/Sci-fi của Quỳnh như thế nào?
– Bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi” là một sự kết hợp, pha trộn của vô vàn ý tưởng từ thời bé của em. Từ khi còn nhỏ tuổi, em đã bắt đầu kể những câu chuyện, kể cả khi chưa biết viết chữ. Vào khoảng năm lớp hai, em bắt đầu viết về những cuộc phiêu lưu của Người Sao Chổi vào vở ô ly, với những dòng chữ ngắn và hình vẽ minh họa. Dần dần, các chữ ngày càng nhiều thêm, để lại rất ít chỗ cho hình vẽ. Vì thế, em viết lại tất cả những câu chuyện đó thành những cuốn tiểu thuyết đầy đủ, hoàn chỉnh trên máy tính khi học lớp năm.
Vì sao Quỳnh muốn viết về Người Sao Chổi chứ không phải nhân vật nào khác?
– Lúc viết, em cũng không nghĩ nhiều về Người Sao Chổi. Đó chỉ là một cậu nhóc, có gì đó như em ngoài đời, với sức mạnh bay siêu tốc, một kiểu mà khi đó em thấy rất ngầu. Nhưng nhìn lại, Người Sao Chổi là một biểu tượng em đã vô thức tạo nên. Người Sao Chổi là hy vọng, ước mơ, sức mạnh, lòng can đảm của tuổi trẻ. Trong chuyện của em, tất cả nhân vật đều có chung loại tính cách, đó là sự lạc quan, hồn nhiên (kể cả những nhân vật lớn tuổi), can đảm đúng chất siêu nhân anh hùng. Bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi” chưa bao giờ được tạo ra nhằm phản ánh thực tại, mà là vẽ nên một thế giới tươi đẹp mà con người có thể phấn đấu để xây dựng nên.
Chính vì chung loại tính cách nên các nhân vật trong truyện dù là những anh hùng nhưng vẫn đầy tính trẻ con, trong đó có cách ăn mặc, rất ngầu?
– Đã rất nhiều lần, em cố gắng nghĩ đến việc cho Thành một trang phục anh hùng đúng kiểu trong các bộ truyện tranh của Marvel và DC. Trong một đoạn ở tập 2, độc giả có thể thấy Thành mặc tạm cái áo lấy được từ kẻ thù. Đúng ra đây là bước đầu để Người Sao Chổi có được bộ trang phục riêng của mình. Nhưng sau cùng, em quyết định bỏ ý tưởng đó. Các nhân vật trong những bộ trang phục đời thường nhưng hợp thời trang, tạo một vẻ thực tế, gần gũi với bạn đọc và chính em. Các nhân vật trong “Người Sao Chổi” đều có sức mạnh đa dạng, ngoại hình khác biệt, nhưng đều có tính cách hướng thiện giống nhau.
Vì sao ngay sau khi kết thúc trang cuối cùng của một cuốn, Quỳnh đã viết ngay cuốn tiếp theo?
– Em luôn có một ý tưởng nào đó đang đợi chờ, cần viết ngay ra giấy. Trong quá trình viết một cuốn, em luôn đã có sẵn đề cương cho những cuốn tiếp theo. Vào lúc đang hoàn thành một bộ truyện, trong em lại có sự ngóng chờ, nôn nóng được viết bộ mới, mà em luôn nghĩ, sẽ hay hơn, sáng tạo hơn. Mỗi bộ tiểu thuyết của em là cả một thế giới khác hẳn bộ trước. Các thế giới được sáng tạo, cải thiện và thay đổi không ngừng.
Những ý tưởng mới thường đến với em liên tục, vào những lúc không ngờ tới nhất, để hình thành nhiều cuốn tiểu thuyết. Mỗi cuốn đều bắt đầu từ những ý tưởng rời rạc, cho đến khi những ý tưởng khác dần dần lấp đầy những khoảng trống đấy. Thử thách nhất với em chính là việc chọn lọc ý tưởng, lấy những chi tiết hợp lý, có lợi cho cốt truyện. Em không thể nhét mọi nhân vật, khía cạnh của thế giới vào một chỗ, tạo ra sự thừa thãi hoặc vô lý. Thử thách thứ hai, chính là việc chuyển thể các ý tưởng thành đoạn văn, dù có chuẩn bị trước đến đâu, chỉ khi thực sự viết, em mới thấy được cái hồn của tác phẩm, những chi tiết nhỏ mà đoạn tóm tắt không thể lột tả được, hoặc câu chuyện được đưa đến những diễn biến mà chính em chưa từng tính trước.
Cảm xúc của Quỳnh sau mỗi trang viết thì sao?
– Mỗi trang viết là một bước nhỏ, dẫn em đến mục tiêu cuối cùng, chính là hoàn thành cuốn sách. Viết xong một đoạn, thấy số chữ cứ tăng dần lên là cả một niềm thoả mãn, chiến thắng không hề nhỏ đối với em. Đôi khi, em cũng gặp phải sự chán nản, kẹt ở những đoạn văn mà mình không thực sự muốn viết, dù nó có đóng góp quan trọng đối với cốt truyện. Việc chinh phục được những khoảnh khắc đó, biến chúng thành những câu văn mà em tâm đắc, là sự tự hào.
Trải dài từ bộ “Người Sao Chổi” đến “Lục Địa Rồng” rồi quay ngược lại thời gian với “Tài xế taxi của Merlin”, việc xây dựng thế giới của riêng mình như thế đã hoàn chỉnh chưa?
– Thế giới vũ trụ “Người Sao Chổi” sau “Tài xế taxi của Merlin” mà em đang viết, coi như đã hoàn thiện đầy đủ. Với ba bộ truyện mang những phong cách hoàn toàn khác nhau, độc giả có thể tận hưởng mà không buộc phải đọc những bộ khác. Nhưng đi kèm với đó là những mắt xích kết nối rất chặt chẽ giữa ba bộ truyện, hứa hẹn những cái “nháy mắt” cho bạn đọc của cả ba bộ truyện, những liên hệ sâu đậm mở ra vũ trụ rộng lớn hơn.
Sau khi đã hoàn thành ba bộ truyện, em sẽ chuyển hướng đến những thế giới mới hoàn toàn khác biệt, thêm không gian thỏa sức sáng tạo, không phải đi theo những quy luật đã được đặt ra trong vũ trụ trước. Nhưng đây không phải phải là sự “tạm biệt” hoàn toàn, em vẫn dự định quay lại vũ trụ Người Sao Chổi, để viết thêm những câu chuyện mới.
Đọc tiểu thuyết Quỳnh viết, có thể thấy em rất tự hào về người Việt Nam, về truyền thống lịch sử cũng như truyền thuyết?
– Truyền thuyết Việt Nam có sự đa dạng, hấp dẫn không khác gì thần thoại Hy Lạp, Ai Cập hay Bắc Âu. Vì vậy, em đưa truyền thống, truyền thuyết Việt Nam vào những cuộc phiêu lưu đậm chất sử thi, hùng vĩ, để hướng bạn đọc về văn hóa nước nhà.
Vì sao Quỳnh luôn tự tin về việc đất nước mình sẽ lớn mạnh và sánh vai với các cường quốc lớn?
– Em thì không suy nghĩ bằng logic, mà bằng trái tim. Những câu chuyện về một Việt Nam phát triển hiện đại hơn bao giờ hết là một ước mơ, một mong muốn. Em hy vọng qua tác phẩm của mình, những thế hệ trẻ sẽ tập trung phấn đấu, xây dựng ra một đất nước giàu mạnh như những gì em đã viết ra.
Cảm ơn những chia sẻ của Quỳnh và chúc các cuốn tiểu thuyết em viết được bạn đọc đón nhận, ưa thích!
Nhà văn trẻ Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008 tại Hà Nội, hiện đang sống và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cao Việt Quỳnh bắt đầu viết bộ tiểu thuyết 3 tập “Người Sao Chổi” từ năm 9 tuổi và hoàn thành vào năm 12 tuổi. Bộ tiểu thuyết này được trưng bày, giới thiệu tại Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20, Hội sách Quốc gia Thái Lan lần thứ 50, Hội sách Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 30…
Với bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi”, Cao Việt Quỳnh đã giành giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam năm 2022 và là tác giả trẻ tuổi nhất Việt Nam được nhận giải này.
Cao Việt Quỳnh là đại biểu trẻ tuổi nhất, được vinh danh là gương mặt tiêu biểu của văn chương Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm qua tại Hội nghị những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V năm 2024 với chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”.
Năm 13 tuổi, Cao Việt Quỳnh tiếp tục viết bộ tiểu thuyết “Lục Địa Rồng” và đã hoàn thiện sau hai năm. Hiện Quỳnh đang trong quá trình viết bộ tiểu thuyết tạm đặt tên “Tài xế taxi của Merlin”.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-van-tre-cao-viet-quynh-viet-tieu-thuyet-bang-trai-tim-10294869.html