Sáng 20/11, Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Nhiều đại biểu đồng thuận với quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” nhưng lại chưa rõ ràng với chế độ tiền lương với nhà giáo ở cơ sở ngoài công lập.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.
Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Về tiền lương và phụ cấp tại Điều 27, điểm d khoản 1 quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, đại biểu Tiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…
Điều 27, dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Với cơ sở giáo dục ngoài công lập, tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo “bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác”…
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho rằng, quy định tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập như quy định tại Điều 27 là “bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập…”. Quy định như vậy là chưa phù hợp với tinh thần tại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương.
Quy định như trên cũng có nghĩa là các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, trả lương trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể trên cơ sở phù hợp với khả năng của cơ sở giáo dục. Trong khi đó, chính tại Điều 27, cũng quy định, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định: Nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của luật nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.
Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho biết: Về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Còn điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo Luật hiện nay. Đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-voi-tien-luong-chinh-sach-ho-tro-nha-giao-20241120093413155.htm