Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, muốn phát triển du lịch nông nghiệp không còn cách nào khác là lực lượng khuyến nông phải giúp người nông dân làm nông nghiệp xanh.
Phát triển du lịch nông nghiệp như thế nào?
Chiều 19/11, tại TP.Hòa Bình, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 năm 2024.
Tham dự Diễn đàn có ông Đinh Công Sứ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT; lãnh đạo Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Đinh Công Sứ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, điểm nhấn là bản sắc văn hóa độc đáo với nhiều lễ hội dân gian; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với hồ thủy điện Hòa Bình được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Bên cạnh đó là sự đa dạng về di tích, danh lam; nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng… Đặc biệt với định hướng phát triển kinh tế xanh đã tạo ra cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Hòa Bình.
Mặt khác, đến nay tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu, góp phần tạo nét đặc trưng riêng cho khu vực nông thôn của tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng.
Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP, trong đó có: 2 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 124 sản phẩm 3 sao. Cơ sở vật chất nông thôn ngày càng được đầu tư, quan tâm, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng các khu du lịch tại địa phương với các hình thức dịch vụ du lịch đa dạng như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm trang trại, vườn tược…
Tham luận tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, du lịch nông nghiệp được phát triển để tối đa hóa lợi nhuận cho hoạt động nông nghiệp trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng và sở thích cụ thể của khách hàng. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho bản thân người nông dân cũng như các điểm sản xuất nông nghiệp, ngược lại cũng là cơ hội cho ngành du lịch trong việc tăng doanh thu và phát triển điểm đến.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, hầu hết địa phương trong cả nước đều rất quan tâm đến phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt với mô hình farmstay. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch này. Qua đó, thu hút lượng khách lớn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về loại hình farmstay cũng như du lịch nông nghiệp nói chung như các luật và văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,… còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chưa thực sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển du lịch nông thôn theo hướng đa giá trị yêu cầu sự kết hợp giữa các giá trị kinh tế, văn hóa và sinh thái. Điều này có nghĩa là ngoài việc thu hút du khách, du lịch cần đóng góp vào việc phát triển kinh tế địa phương, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa và tự nhiên sẵn có.
Việc phát triển du lịch nông thôn theo hướng đa giá trị, bền vững và bao trùm sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng lớn về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng nông thôn. Việc thực hiện các chính sách phù hợp, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực của người dân sẽ là chìa khóa để biến du lịch nông thôn thành một động lực phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.
Tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Thị Nga – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, ở một số địa phương, công tác lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp chưa đánh giá đúng tiềm năng lợi thế, tính đặc trưng nên chưa phát huy hiệu quả. phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.
Cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, thiếu đồng bộ; thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản…) còn hạn chế, vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn thiếu và yếu; nhà vệ sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có hệ thống biển báo điểm du lịch; ở một số nơi vẫn còn thiếu nước sạch.
PGS.TS Bùi Thị Nga đề xuất, quy hoạch, phát triển các địa điểm phù hợp làm khu, điểm du lịch nông nghiệp trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, tính đặc trưng để phát huy hiệu quả khả năng của từng vùng, địa phương trong cả nước, tránh tính trạng tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp của sản phẩm; nâng cao tính hấp dẫn đối với du khách và góp phần tạo ra thương hiệu du lịch nông nghiệp Việt Nam.
Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn để đáp ứng nhu cầu của du khách; cải thiện giao thông ở những nơi chưa thuận lợi, quan tâm xử lý nước thải, rác thải phù hợp; nâng cấp nhà vệ sinh; bổ sung hệ thống biển báo điểm du lịch; chú ý cung cấp đủ điện và nước sạch.
Bên cạnh những ý kiến trên, tại Diễn đàn, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đề xuất cách thức triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các địa phương.
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường; giới thiệu, quảng bá một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình du lịch nông thôn hiện nay.
Khuyến nông giúp nông dân làm nông nghiệp xanh để phát triển du lịch nông nghiệp
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp bởi hệ sinh thái rất đa dạng.
“Hôm nay có hàng trăm người có mặt tại đây là lãnh đạo và khuyến nông các địa phương. Ngoài nhiệm vụ trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao hiệu quả kinh tế thì bây giờ gắn thêm nhiệm vụ là khai thác được du lịch ở trong trang trại. Làm thế nào hỗ trợ được người sản xuất khai thác được giá trị du lịch trong hoạt động của sản xuất?”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đặt câu hỏi.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị lực lượng khuyến nông phải cập nhật thêm, ghi nhận thêm, chia sẻ thêm những cái kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia để mang về ứng dụng ngay trong các hoạt động tại cơ sở. Đồng thời, kiến nghị đề xuất với Khuyến nông Quốc gia để mở những lớp đào tạo những lực lượng khuyến nông am hiểu thêm về kiến thức du lịch nông nghiệp cơ bản.
“Chúng ta phải xác định rõ chủ thể chính ở đây là bà con nông dân. Họ chính là giá trị cốt lõi của du lịch nông nghiệp. Nếu như tất cả mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp mà không an toàn thì chắc chắn sẽ không có 1 khách du lịch nào đến.
Chẳng ai đi du lịch nông nghiệp, nông trại, trang trại lại đi ngửi thuốc trừ sâu, ăn thực phẩm có chứa chất kháng sinh. Dứt khoát phải làm nông nghiệp xanh thì mới khai thác du lịch được. Những người giúp cho bà con nông dân hiểu được việc này chính là lực lượng khuyến nông. Những người nắm rõ quy trình nhất, những người gần gũi với bà con nông dân nhất…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: https://danviet.vn/muon-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-phai-lam-nong-nghiep-xanh-20241120015735571.htm